- Em không may mắn như tác giả bài thơ, dù ngay trong bài thơ cũng đã tỏ
lộ nỗi bất hạnh. Điều đó có nghĩa là em bất hạnh gấp đôi.
Anh Thái hơi nhíu mày, giọng anh dịu dàng:
- Sao Thịnh không bao giờ nói gì với anh?
Thịnh lắc đầu:
- Em quan niệm một khi mình chịu đựng được nỗi khổ của mình một cách
âm thầm thì viêc tậm sự với người khác là điều vô ích. Em sẽ chỉ tâm sự
khi nào em bất lực không kềm chế được nỗi buồn.
Anh Thái hạ giọng:
- Thịnh cam đảm lắm. Nhưng Thịnh quên rằng một nỗi buồn được giải tỏa
bao giờ cũng đỡ làm mình khổ tâm hơn một nỗi buồn bị cô đọng.
Thịnh cúi mặt:
- Với em, chưa hẳn như vậy. Em sợ.
Anh Thái nhìn thẳng vào mắt Thịnh:
- Thịnh này, Thịnh có tin rằng thỉnh thoảng anh hiểu Thịnh không?
- Em chả có gì khó hiểu cả. Đời sống em phơi bày.
- Anh muốn nói ở một khía cạnh khác hơn đời sống phơi bày Thịnh nhắc
nhở.
Thịnh vịn tay vào mép bàn. Nãy giờ cô bé vẫn đứng yên. Tại sao hôm nay
anh Thái lại nói như vậy? Hay anh Thái đã nhìn thấy từ những cử chỉ cố
gắng tìm quên của mình một cái gì tố cáo tất cả tâm trạng? Như thế có phải
mình có tội với gia đình không? Có tội ngay với bản thân mình nữa? Thịnh
chịu không trả lời được cho mình những câu hỏi xoáy lốc. Anh Thái:
- Anh không muốn làm Thịnh buồn, anh cũng không muốn tò mò, đi sâu
vào đời tư của Thịnh. Mỗi người có một đời sống riêng. Thịnh có quyền
suy tưởng và mơ mộng theo chiều hướng của Thịnh. Anh chỉ muốn nhắc
nhở với Thịnh, anh có thể là một người bạn để Thịnh nói những điều mà
Thịnh thấy không thể nói với ai khác.
Thịnh ngước nhìn anh. Ánh mắt hai anh em gặp nhau, thẳng thắn, tin
tưởng. Thịnh bỗng nói:
- Em cảm ơn anh. Có lẽ anh đã hiểu em.
Anh Thái mỉm cười: