Phần còn lại, chưa hề được đăng tải lần nào, chúng tôi mới chép lại từ tập
bản thảo.
Nhất Linh viết đi viết lại Xóm Cầu Mới tất cả năm lần. Lần đầu viết năm
1940 ở Hà Nội, lần thứ hai năm 1943 tại Quảng Châu (Trung Hoa). Lần thứ
ba năm 1949 tại Hương Cảng (Trung Hoa). Về nước năm 1951, Nhất Linh
viết lại lần thứ tư tại Hà Nội. Và sau cùng, trước khi đăng lần đầu trên Văn
Hoá Ngày Nay, Nhất Linh sửa lại lần chót bên dòng suối Đa Mê tại Fim
Nôm (Đà Lạt) vào năm 1957. Còn về tên truyện, lúc thì được đặt là Vui
buồn, khi thì Bèo giạt, sau cùng là Xóm Cầu Mới.
Tập bản thảo dùng để in quyển truyện này là tập mang tên Xóm Cầu Mới
(Bèo giạt) viết lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng. Đó là tập dầy nhất, đã
được Nhất Linh xem là bản thảo gốc dùng cho những lần viết lại sau này.
Mặc dù truyện Xóm Cầu Mới chưa hoàn tất, chúng tôi cũng cho xuất bản.
Chúng tôi thiết nghĩ mỗi phần Nhất Linh viết ra đều có giá trị riêng của
phần đó - nhất là những đoạn nhận xét và phân tích về nhân vật - chứ
không phải giá trị chỉ là ở cốt chuyện. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng tập bản
thảo Xóm Cầu Mới là một di cảo quan trọng của Nhất Linh, một nhà văn đã
quá cố và có địa vị xác định trong văn học sử; chúng tôi cho xuất bản để
giới thiệu với độc giả một tác phẩm được thực hiện với nhiều công phu
nhất, mang nhiều cao vọng nhất trong cuộc đời viết văn của ông.
Vì quan niệm như vậy, nên chúng tôi cho in thêm vào Phụ lục này phần dàn
truyện và những hình vẽ được Nhất Linh đặt ở phần đầu tập bản thảo: trước
hết là hình vẽ cây đa và cây cầu, rồi đến sơ đồ Xóm Cầu Mới và các vùng
phụ cận, trong đó có ghi địa danh và vị trí những căn nhà; sau đó là phần
liệt kê các gia đình và nhân vật chính, nêu rõ đặc tính của từng gia đình và
từng người một như gia thế, xuất xứ, dáng điệu, cử chỉ, sở thích, tính tình
v.v. Sau nữa là hình Nhất Linh vẽ các nhân vật và vài dòng về giá sinh hoạt
thời đó.