xưng hô, gọi Đạt bằng “ông” chứ không gọi bằng “anh” như mọi khi! Việc
thứ hai là sau giờ học, bà sẽ mời Đạt lên phòng khách, nói “đốp chát” với
Đạt là nếu Đạt thực là người tốt, thì Đạt hãy buông tha Diễm, đừng rắp tâm
“tán” Diễm, rắp tâm hỏi Diễm làm vợ nữa!
Bà đã ấn định chương trình rành mạch, nhưng khi Đạt vừa bước vào nhà,
lên tiếng chào “Chị ạ” thì, vì thói quen, bà đã niềm nở buột miệng: “Kìa
anh, mời anh vào”. Bà vội nghiêm nét mặt lại, như một bà mẹ vợ, cố
nghiêm mặt trước một ông con rể tương lai, suýt soát tuổi mình. Nhưng Đạt
đã bắt tay Thúc, nói:
- Hôm nay, cho tôi dạy luôn, để còn phải về có việc hơi cần.
Rồi chàng đi thẳng vào buồng học khiến Hòa nhìn theo lắc đầu, nói nhỏ với
chồng:
- Hắn định hỏi con Diễm, mà hắn vẫn gọi tôi là “chị” gọn thon lỏn. Tợn
quá!
Thúc cười trả lời:
- Hắn chưa hỏi con mình làm vợ, mà mình đã muốn hắn đổi cách xưng hô,
như thế là hắn “tợn” hay mình “tợn”? Mà hắn đã đổi cách xưng hô rồi,
mình không nhận thấy à?
- Đổi ở chỗ nào?
- Trước kia anh ta chào “chị ạ”, tiếng “chị” to, tiếng “ạ” nhỏ. Hôm nay, trái
lại, tiếng “ạ” át cả tiếng “chị”. Như thế là có sự chuyển hướng rõ rệt rồi còn
gì nữa!
Hòa thấy sự phân tích của Thúc thật tinh vi, đúng là sự phân tích của một
giáo sư dạy môn tâm lý học. Bà hơi kinh ngạc—cái kinh ngạc có pha chút
kính phục âu yếm—nhìn chồng và thấy Thúc kỳ quặc: nhiều lúc Thúc có vẻ
xuề xòa, “ruột để ngoài da”, chẳng để ý đến cái gì, nhưng nhiều lúc Thúc
lại có những nhận xét rất tinh tế, chứng tỏ Thúc không phải chỉ là người vô
tâm, đãng trí, và Thúc có đường lối suy tưởng, có quan niệm sống riêng của
mình, chứ không xuề xòa như bà tưởng… Tự nhiên bà cảm thấy dỡ băn
khoăn, thêm tin tưởng ở sự nhận định sáng suốt của chồng… Sực nhớ đến
nhiệm vụ chủ nhà, bà đứng lên gọi người pha trà mang vào phòng học, rồi
thủ thỉ bảo chồng: