em. Từ đó, anh thường đến chơi nhà em. Thấy em ưa nét vẻ của anh, anh
ấy có xin phép Ba má, họa một bức chân dung của em—Bức chân dung em
treo trong phòng học, để rồi hôm nào em đưa thầy coi. Quen biết anh Tuấn,
em thấy anh ấy là người rất ham chơi, bừa bãi, gần như hư hỏng. Cờ bạc,
đàn bà và cả thuốc phiện nữa, cái gì anh ấy cũng thích. Được một điều là
anh ấy không giấu giếm ai, và đã có lần, anh đèo xe Vespa một cô vũ nữ,
đến đợi em ở cổng trường để xin tiền “để ét-xăng”! Em cũng đã gắng
khuyên can anh đừng trụy lạc, nhưng anh chỉ ừ ừ, ào ào, hoặc ngoan ngoãn
được vài bữa rồi đâu lại vào đấy. Ít lâu nay, em nghe nói anh ấy “sống
chung” với một người vũ nữ, đêm đêm anh đưa người nũ nữ đi làm, đợi cô
vũ nữ, hết giờ làm việc ở vũ trường, hai người lại đưa nhau đi đánh phé.
Vừa rồi, người vũ nữ đưa tiền cho anh ta đánh, anh ta hăng máu ra sao,
tháu cáy mấy ván, “đốt” hết cả số tiền người vũ nữ gửi anh giữ dùm. Người
vũ nữ nổi điên, tát kiện anh về tội quyến rũ và làm tiền…! Cái thư hỏi vay
tiền em có nhẽ cũng bắt nguồn từ chuyện đổ vỡ kể trên. Chắc anh ấy cần
tiền để thanh toán cô vũ nữ…
Đạt im lặng một lát, mới hỏi Huyền:
- Đối với ông ta, cảm tình của Huyền ra sao?
- Cố nhiên là thương hại anh ấy lắm! Muốn cứa vớt anh ấy mà em thấy
không cứa vớt nổi…
Đạt cười buồn:
- Nhưng điều cần biết là liệu ông ta có tự cho là mình cần phải cứu với
không đã! Nếu đó chỉ là nếp sống rất tự nhiên của một người theo chủ
nghĩa “hiện sinh” thì Huyền nghĩ sao?
Gương mặt rất trẻ của Huyền đượm vẻ suy tư:
- Em cũng lo như vậy. Cho nên em mới hỏi ý kiến thầy. Có nên giúp anh ấy
hay không hở thầy? Em không có tiền, nhưng vẫn có cách giúp ông ta.
Đạt hỏi:
- Huyền bảo có cách xoay ra tiền để giúp ông ta. Vậy Huyền có thể cho biết
cách nào không?
Huyền không lưỡn lự:
- Em có giây chuyền bằng vàng của bà cô em cho. Em rất ghét những đồ