mới chịu hiểu sao? Anh phải nhìn nét mặt tôi, quan sát tình huống để đoán
ra tôi muốn gì chứ, sao chỉ có mỗi việc đó thôi mà cũng không làm được?"
Đó chính là cảm xúc "phật lòng".
Theo những nhà ngôn ngữ học, khác với tiếng Anh hoặc tiếng Đức, khi
giao tiếp bằng tiếng Hàn, chúng ta thường sử dụng cách "giao tiếp phi ngôn
ngữ". Nói đơn giản, người Hàn Quốc khi giao tiếp không chỉ dùng từ ngữ,
mà còn dùng nét mặt, cử chỉ cơ thể theo ngữ cảnh, thêm vào đó giọng điệu,
độ lớn giọng nói, khoảng cách với người nghe, ánh mắt... cũng cực kỳ quan
trọng. Riêng về từ ngữ, người Hàn cũng dùng uyển ngữ nhiều hơn các từ có
ý nghĩa trực tiếp, vì vậy khi giao tiếp bằng tiếng Hàn phải tinh ý mới có thể
giao tiếp tốt được, khó hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Những đứa trẻ
sinh ra và lớn lên ở phương Tây thường được cha mẹ dạy rằng khi muốn
thứ gì đó thì hãy nói thẳng ra chứ đừng chỉ thể hiện bằng thái độ. Ngược lại,
trẻ em ở Hàn Quốc thường bị mắng tại sao dám lên tiếng trả treo khi nói
chuyện với người lớn. Vì vậy, sự thật là khả năng thể hiện chính xác điều
mình muốn bằng lời nói của chúng ta kém hơn hẳn người phương Tây.
Cùng xem thử gần đây mọi người hay cảm thấy "phật lòng" vì điều gì
nhé. Sau những lần trò chuyện tư vấn, tôi nhận thấy rằng có nhiều người
cảm thấy phật lòng khi nghĩ rằng cha mẹ không quan tâm tới mình nhiều
bằng những anh chị em khác, hoặc khi cảm thấy mình bị cha mẹ phân biệt
đối xử. Ngược lại cũng có nhiều ông bố nói rằng họ phật lòng khi đã cống
hiến cả cuộc đời cho gia đình nhưng vẫn cảm thấy bị vợ và các con đối xử
không đúng mực. Trong trường họp những người vợ, họ phật lòng khi
chồng không đứng về phía mình khi xảy ra bất đồng giữa họ và phía nhà
chồng. Những cặp đôi đang yêu nhau thì phật lòng khi người yêu trở nên
lạnh nhạt, đôi lúc hỏi còn không buồn lên tiếng trả lời, không còn quan tâm
như thời mới yêu. Còn trong môi trường làm việc, người ta cảm thấy phật
lòng khi dự án mình chuẩn bị ngày đêm bị cấp trên nghiễm nhiên giành
công, hoặc khi bị đồng nghiệp, đàn em không tôn trọng.