của ta?
Làm thế nào để ánh sáng ta đừng bị ngạt thở trong nỗi buồn sầu rộng lớn
đó? Ánh sáng ấy phải là ánh sáng soi chiếu những thế giới diệu vợi, những
đêm tối xa vời nhất trong tương lai!”
Với lòng phiền não âu sầu như thế, Zarathustra cứ lang thang đây đó; suốt
ba ngày, hắn chẳng ăn uống cũng chẳng ngủ nghỉ và mất hẳn tiếng nói. Sau
cùng, Zarathustra rơi vào một giấc ngủ miệt mài. Các môn đệ ngồi vây
quanh để canh giấc thật lâu; họ lo lắng chờ đợi Zarathustra tỉnh giấc, bắt
đầu mở miệng nói lại và được chữa khỏi nỗi buồn.
Và đây là bài thuyết pháp của Zarathustra khi hắn thức tỉnh; tuy nhiên,
giọng nói của hắn đến với đám môn đệ như đến từ một nơi xa xôi vời vợi:
“Hỡi các bạn, hãy lắng nghe giấc mộng mà ta đã thấy và giúp ta đoán ra ý
nghĩa.
Giấc mộng vẫn còn là một ẩn ngữ đối với ta; ý nghĩa nó được giấu kín
trong bản thân; bị giam cầm như thế, ý nghĩa ấy hãy còn chưa tung cánh
bay lượn thỏa thuê bên trên giấc mộng.
Ta đã khước từ toàn thể sự sống, đó là điều ta đã mộng thấy. Ta đã trở thành
một kẻ canh thức và gác dan cho các ngôi mộ, ở trên ngọn núi cô liêu của
lâu đài Tử diệt.
Trên núi ấy chính là nơi ta canh giữ những quan tài của Tử diệt: những
khung vòm ẩm mốc ngột ngạt đầy rẫy những của chiến thắng như thế.
Xuyên qua những quan tài bằng thủy tinh, đời sống chiến bại đưa mắt
ngắm nhìn ta.
Ta hít thở mùi vị những vĩnh cửu bụi bặm, linh hồn ta nằm đó, ngộp thở,
phủ đầy bụi. Nơi đấy, ai là kẻ có thể thông hơi thoáng khí cho tâm hồn
mình?
Đêm tối luôn luôn trong sáng chung quanh ta, nỗi cô đơn ngồi co rúm thu
hình cạnh đêm tối; và một người bạn đồng hành thứ ba là sự im lặng chết
chóc, ngắt quãng bởi những tiếng khò khè, người bạn tệ mạt nhất trong số
các bạn của ta.
Ta có mang theo những chiếc chìa khóa, những chiếc chìa khóa hoen rỉ