129. Phát triển nhóm
Nếu bạn là người lãnh đạo nhóm, bạn phải có mục tiêu phát triển thành viên
nhóm. Quá trình đó bắt đầu bằng việc có được các thành viên phù hợp.
Người ta nói rằng, có thể biết về ai đó qua việc người đó đi cùng ai. Một tổ
chức cũng được biết đến qua những thành viên trong tổ chức đó. Jack
Welch, cựu Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của General Electric, nhận xét:
“Nếu bạn chọn đúng người và cho họ cơ hội sải đôi cánh – và đặt sự đền
đáp làm bệ đỡ cho họ – hầu như bạn sẽ không phải quản lý họ.” Đó là lý do
vì sao Patrick Emington nói: “Điều ngu ngốc nhất là nói về việc tạo động
lực cho người khác. Bí quyết thật sự là giúp họ mở khóa và định hướng các
động lực sâu kín trong họ.”
Quá trình đó tiếp tục với việc bạn làm bất cứ việc gì có thể để giúp mọi
người phát triển và đạt đến tiềm năng của mình. Bạn phải nỗ lực hết sức
mình để nhìn ra khả năng của những người khác, đồng thời giúp họ nhận ra
và phát triển những khả năng đó. Đó là những gì tất cả các nhà lãnh đạo
giỏi đều làm. Họ không chỉ trở thành người có tài năng mà còn giúp những
người khác trở thành những người có tài năng.
130. Dành công trạng cho nhóm
Bước cuối cùng để trở thành một người tài năng có tinh thần đồng đội là
dành càng nhiều công trạng cho những người khác trong nhóm càng tốt.
Trong cuốn sách Good to Great (Từ giỏi tới vĩ đại), Jim Collins chỉ ra rằng
các nhà lãnh đạo của các tổ chức tốt nhất, ông gọi họ là “các nhà lãnh đạo
cấp 5”, có đặc trưng chung là tính khiêm nhường và xu hướng tránh để
mình thành nhân vật trung tâm. Liệu có phải những nhà lãnh đạo đó không
có tài? Tất nhiên không phải vậy. Liệu có phải họ không có bản ngã?
Không. Điều đó có nghĩa là họ hiểu rằng mỗi người trong nhóm đều quan
trọng và sẽ làm tốt hơn, với nỗ lực cao hơn khi được đánh giá đúng qua
những đóng góp của mình.