Anh ấy đã chinh phục được họ, bằng vẻ tự tin không suy suyển, sự lạc quan
lan tỏa, sự dí dỏm nhẹ nhàng và lòng nhiệt huyết dành cho những sách lược
mà anh ấy hướng tới. Chính sự tự tin nơi bản thân đã thuyết phục anh ấy
nhận lời thách thức và sự lạc quan của anh đã giúp anh duy trì được quyết
tâm của mình khi phải đối diện với những lời chỉ trích diễn ra hàng ngày.
Nhưng chính sức lôi cuốn của Schwarzenegger mới là điều đã giúp anh
truyền nguồn cảm hứng đến các cử tri và giành thắng lợi.
Bảy đặc điểm của những nhà lãnh đạo có sức cuốn hút lớn
Để tìm ra bảy đặc điểm này, việc đầu tiên tôi cần làm là tiến hành phân tích
tần suất đưa tin của giới truyền thông về chiến dịch vận động tranh cử của
Schwarzenegger với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp từ công ty Gallo
Communications Group. Trong suốt chiến dịch kéo dài 62 ngày đã nêu, đã
có 17.509 bài báo được viết về kỳ bầu cử này. Quả là một con số đáng kinh
ngạc! Và “sức cuốn hút” là từ được sử dụng phổ biến nhất để mô tả
Schwarzenegger, xuất hiện ở hơn 300 bài báo chỉ trong vòng 2 tháng. Trong
khi Arnold được miêu tả là một con người ấm áp, đầy nhiệt huyết và có khả
năng truyền cảm hứng thì Davis được xem là lạnh lùng, thiếu cảm xúc và
không có bản sắc. Còn một điều có tính triệt phá hình ảnh của Davis nữa là:
Arnold được cả những người ủng hộ lẫn các đối thủ mô tả là người có
“phong thái lãnh đạo”, trong khi Davis chỉ nhận được những tính từ như
“cứng nhắc” và “như tượng gỗ”.
Toàn bộ cá tính của Davis có thể được tóm lại ở những ngôn từ và hành
động của ông trong bài diễn văn nhường chức. Ông kìm nén cảm xúc của
mình, mà tôi nghĩ chính điều này đã cho thấy rõ sự thất bại của ông trong
việc xây dựng mối quan hệ tốt với công chúng. Phóng viên Scott Herhold
của tờ San Jose Mercury đã viết như sau “Chẳng có nước mắt, chẳng có sự
đấu tranh, chẳng có sự cay đắng hiển hiện… và có lẽ đó là một trong những
lý do khiến mọi người gạt bỏ ông ấy. Một con người dường như không có
tình người”.