có thể quan sát thấy bác sĩ cẩn thận tiến hành lấy thủy tinh thể cũ ra và đưa
kính nội nhãn nhân tạo vào để thay thế. Theo dõi cả quá trình mổ, tôi bỗng
nhận ra nó không hề đơn giản như tôi vẫn nghĩ. Tôi thấy Helen đúng khi cô
ấy yêu cầu cần được nghỉ ngơi và giữ tâm lý thoải mái trước ca mổ. Thế mà
tôi chỉ quan tâm đến việc có thể hoàn thành ca phẫu thuật một cách nhanh
chóng. Sau ca mổ, tôi xin lỗi Helen, tôi thừa nhận với cô ấy là tôi đã sai và
cô ấy đã đúng. Helen thật sự là người phụ nữ thông minh, và tôi đã quen
với việc thừa nhận sai sót nhiều lần trong cuộc đời mình. Tôi nghiệm ra
rằng nếu ngay từ đầu chúng ta quá nhạy cảm với cách nhìn nhận sự việc của
người khác, chúng ta sẽ khó đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấy mình
đã mắc sai lầm.
Việc thừa nhận "Tôi đã sai" sẽ là vô nghĩa nếu lời nói ấy không xuất phát từ
con tim chân thành mà chỉ tuôn ra nơi cửa miệng. Nó đòi hỏi phải có sự
thay đổi nghiêm túc và sâu sắc từ trong bản thân. Thậm chí nếu sự thừa
nhận ấy có khiến cho ta tổn thương đi chăng nữa, ta cũng cần hiểu rằng đã
là người thì ai cũng có lúc mắc sai lầm. Tuy nhiên, khi biết trung thực nhận
ra sai sót, ta sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của những người xung
quanh.
Việc thừa nhận mình sai cho thấy ta đã sẵn sàng thay đổi và truyền cảm
hứng cho người khác, giúp họ cũng thay đổi theo hướng tích cực. "Tôi đã
sai" chỉ là ba từ đơn giản nhưng có thể giúp bạn tin tưởng, lạc quan hơn về
bản thân. Điểm mấu chốt của sự thay đổi này nằm ở quyết định: "Tôi muốn
tạo ra bầu không khí lạc quan vui vẻ hay bi quan, tiêu cực?". Vì vậy, mỗi
khi bạn cảm thấy mình sai, hãy thẳng thắn thừa nhận điều đó!
Rất dễ dàng tìm thấy những ví dụ về việc hình thành bầu không khí tiêu cực
trong các tổ chức chỉ vì không ai dám nói: "Bạn biết không, có lẽ tôi đã sai
lầm và bạn hoàn toàn đúng!". Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy việc
thừa nhận mình sai sẽ giúp xóa tan bầu không khí tiêu cực nặng nề trong
hầu hết mọi trường hợp.