Đối với những ai đang ở cương vị lãnh đạo, việc thừa nhận sai sót sẽ hết
sức khó khăn. Người lãnh đạo luôn được xem là người có tầm nhìn xa trông
rộng, là người sáng suốt có thể nắm bắt toàn diện vấn đề, cũng như là người
khởi xướng, vạch ra phương hướng cho người khác thực hiện. Nhưng đôi
khi, ngay cả nhà lãnh đạo cũng phải thừa nhận rằng họ đã sai. Là người
đồng sáng lập tập đoàn, khi đề xuất một phương pháp mới hay giới thiệu
một sản phẩm mới, tôi tự tin cho rằng mình đã lường trước mọi vấn đề có
thể phát sinh. Có người hỏi tôi: "Anh đã nghĩ kỹ về vấn đề này chưa?",
thường câu trả lời của tôi sẽ là: "Ồ, chắc chắn là thế! Tất nhiên rồi!".
Nhưng nghĩ kỹ lại, tôi đã không thực sự suy xét thấu đáo vấn đề. Tôi đã
thiếu sót! Một người nào đó với cách nhìn khác có thể nhận thấy điều mà
bản thân tôi chưa dự liệu trước.
Trước những tình huống như vậy, ta sẽ phải lựa chọn: bảo vệ "cái tôi" kiêu
hãnh của bản thân bằng cách tự khoác lên mình "bộ giáp" phòng vệ và cho
rằng mình không có sơ suất, hoặc là trung thực nhìn nhận: "Bạn đúng rồi!
Tôi đã sai! Tôi đã chưa nghĩ kỹ đến điều đó". Biết chấp nhận sai sót, bạn sẽ
có cơ hội sửa chữa lỗi lầm và cùng hợp tác để tìm ra giải pháp. Ngoài ra,
chân thành tiếp thu ý kiến của người khác cũng là cách bày tỏ lòng tôn
trọng đối với họ.
Bởi vì tôi lựa chọn giải pháp thừa nhận mình sai, nên tôi hiểu được giá trị
của việc thu thập ý kiến, quan điểm của nhân viên và khám phá ra tầm quan
trọng của việc duy trì cuộc họp thường kỳ tại Amway. Chúng tôi gọi cuộc
họp này là Nói lên điều bạn nghĩ. Cứ vài tháng, chúng tôi lại chọn ra một
đại diện tiêu biểu từ mỗi bộ phận đến để trao đổi với tôi. Họ được quyền hỏi
bất cứ câu hỏi nào, đưa ra những đề xuất, thậm chí là phê bình, góp ý từ
những chuyện lớn (như sự cố kỹ thuật trong hệ thống sản xuất) đến những
chuyện nhỏ (như phàn nàn về thức ăn, đồ uống trong máy bán hàng tự
động).