tôi nghĩ Doug thật lòng hối tiếc về việc làm của mình - hay ít ra là nó hối
tiếc trong thời điểm đó.
"Tôi đã sai" và "Tôi xin lỗi" luôn đi kèm với nhau. Tôi thích lời thừa nhận
"Tôi đã sai", đây không chỉ là câu nói, mà còn là một thái độ sống. Phải
trung thực và dũng cảm lắm ta mới có thể thốt ra câu này.
Nhiều nhà lãnh đạo và các nhân vật tên tuổi có thể sẽ hoàn thành tốt trách
nhiệm của mình hơn nếu họ có thái độ ứng xử như thế. Bạn nghe được lời
xin lỗi của những người nổi tiếng trước công chúng về sự bất cẩn hay lỗi
lầm của họ lần gần đây nhất là khi nào? Họ thường có xu hướng lên tiếng
bào chữa và bảo vệ quan điểm của mình. Từ các vụ tai tiếng của quan chức
đến những hành vi phạm tội, hành động trái với thuần phong mỹ tục của các
"ngôi sao", mượn sức mạnh của hoạt động truyền thông, họ chỉ đưa ra lý lẽ
biện minh, chứ hiếm khi qua đó họ công khai xin lỗi - mặc dù làm vậy
không đẩy sự nghiệp của họ tới đường cùng. Thực tế thì cộng đồng luôn
đánh giá cao đức tính khiêm nhường, cảm thông với họ, sẽ mau chóng bỏ
qua nếu họ nhanh chóng và chân thành xin lỗi. Chỉ vài từ đơn giản nhưng
có thể ngăn chặn sự lan truyền những tin tức không hay.
Khăng khăng bảo vệ quan điểm, viện dẫn lý do để che đậy sự việc hoặc quy
chụp trách nhiệm lên người khác là những việc làm tiêu cực, thay vì quyết
định nhìn vấn đề theo hướng tích cực hơn. Cách hành xử này đã trở thành
thói quen xấu, biến xã hội chúng ta thành một xã hội đầy tiêu cực.
Việc nói "Tôi xin lỗi" cho thấy ta có thể hiểu quan điểm của người khác,
rằng ta muốn giữ gìn mối quan hệ và không tự phụ đến mức không nhận ra
những điều tốt đẹp ở họ. Một lời xin lỗi là một quyết định có nhận thức khi
ta cảm thông với cảm nhận của người khác. Thay vì nghĩ rằng hành vi xin
lỗi xuất phát từ việc nhận thấy mình làm sai, ta nên xem nó sẽ mang lại lợi
ích, có tác động tích cực cho người bị ảnh hưởng như thế nào.