V. Trương Nghi - Nhà Tung Hoành Đưa Nước Tần Trở Thành
Cường Quốc
Giữa thời Chiến Quốc, sau nhiều năm đánh chiếm lẫn nhau, các nước chư hầu đã hình thành một số
nước khá lớn, chủ yếu là Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy và Tần. Thời đó người ta gọi là Chiến Quốc
thất hùng. Giữa thất hùng này lúc nào cũng nhìn nhau lom lom, vì số người muốn thống nhất nước
Trung Quốc không phải ít. Nhưng, đứng về mặt thực lực mà nói, những nước đủ điều kiện để thống
nhất toàn quốc, chỉ có ba nước là Tần, Sở và Tề.
Lịch sử đấu tranh giữa ba nước này tức là lịch sử thống nhất cuối thời Chiến Quốc. Nếu so sánh lực
lượng của ba nước, thì giữa họ có chỗ mạnh chỗ yếu khác nhau. Trong khi đó, ở các nước lại xuất hiện
một số đông những nhà du thuyết. Có người đề xướng "hợp tung”, có người đề xướng "liên hoành”,
hoặc "tung hoành bài hợp", ai cũng cho thuyết của mình là hay, được người lúc bấy giờ gọi là "Tung
hoành gia".
Số “Tung hoành gia” nói trên, nếu hiểu theo ý nghĩa hiện giờ thì họ chính là những nhà ngoại giao. Một
khi họ được các nhà chư hầu sử dụng, thì sẽ trở thành khanh tướng áo trắng, chấp chưởng quốc chính,
tác dụng của họ không thể xem thường.
“Hợp tung" có nghĩa là mấy nước liên hợp lại để cùng đánh một nước. Còn "liên hoành" là phá rã sự
liên hiệp của đối phương, để đánh bại từng nước một. Trong khi các nước chư hầu tranh giành thế lực
tại Trung Nguyên, thì hai sách lược này tất nhiên phải được áp dụng. Cho nên “Tung hoành gia" hầu hết
được trọng dụng, đó cũng là cái thế tất nhiên của thời bấy giờ. Trương Nghi là một trong những "Tung
hoành gia” có tiếng. Ông là người cùng một thời với Công Tôn Diễn (cũng có tên là Tê Thủ), đều là
những nhân vật nổi bật. Người Sở là Cảnh Xuân từng nói:
- Công Tôn Diễn, Trương Nghi là những đại trượng phu chân chính. Hai người họ khi nổi giận thì tất
cả chư hầu đều sợ hãi. Nhưng, khi hai người họ bình tĩnh, thì thiên hạ cũng sẽ được hưởng thái bình,
vô sự!
Trương Nghi là người nước Ngụy, thuộc hàng thứ dân của nước này. Ở nước Ngụy ông không được
trọng dụng. Tương truyền ông thường theo học với Quỷ Cốc Tử, chuyên nghiên cứu về thuật “Tung
hoành". Sau khi học thành tài, Trương Nghi trước tiên đến nước Sở để du thuyết. Có lần Trương Nghi
dự một buổi tiệc do Thừa tướng nước Sở khoản đãi. Trong buổi tiệc, vị Thừa tướng này đánh mất một
miếng ngọc bích. Bọn thủ hạ của vị Thừa tướng hoài nghi Trương Nghi lấy cắp nên bắt giữ ông. Chúng
không cần biết ất giáp chi cả, thẳng tay đánh đập Trương Nghi để tra hỏi, đổ máu ướt cả áo. Nhưng
Trương Nghi nhất quyết phủ nhận. Vị Thừa tướng thấy không có bằng cớ gì, buộc phải thả Trương
Nghi.
Trương Nghi trở về đến nhà, bà vợ bèn chê cười:
- Ông bảo ông đi du thuyết để làm quan, thế tại sao lại bị người ta xem là trộm và đã đánh đập không