4. Lời Nói Khôn Khéo
Sau khi Phạm Thư đến Hàm Dương, không có cơ hội nào gặp được Tần Chiêu Vương cả. Mặc dù
Vương Kê đã chạy chọt nhiều nơi, cố gắng hết sức mình, nhưng vẫn không có hy vọng đưa Phạm Thư
gặp được nhà vua.
Phạm Thư thấy thời gian quý báu trôi qua một cách vô ích, trong lòng tiếc rẻ, nhưng không có cách nào
khác hơn. Mỗi ngày ông phải trọ tại khách xá loại hạng bét, dùng cách đọc sách và đi xem xét dân tình
để giết thời giờ.
Trong thời điểm này, Tần Chiêu Vương đã ngồi trên ngai vàng được ba mươi sáu năm, thế nước ngày
một cường thịnh. Đại tướng Bạch Khởi chỉ huy quân đội nước Tần, càn quét khắp mọi nơi, đi đến đâu
thắng đến đấy. Ở phía Nam họ đánh Sở và cố chiếm cho kỳ được hai vùng đất quan trọng là Yên và
Sính (quốc đô của Sở). Nước Sở từ đó bị suy yếu luôn, không còn vươn lên được để trở thành đối thủ
với Tần nữa. Kế đó, Tần lại quay sang liên hợp với quân đội của bốn nước phía Đông là Hàn, Triệu,
Ngụy, Yên, đánh bại quân Tề, và đã trừ được một kình địch ở phía Đông là nước Tề. Sau đó, quân
Tần còn đánh bại được quân của ba nước Hàn, Triệu, và Ngụy, khiến Ngụy và Hàn phải chịu cúi đầu
nghe theo lệnh của Tần. Thời bấy giờ, triều thần nhà Tần liên tiếp vào chúc mừng nhà vua.
Khi đó, trong triều đình nhà Tần cũng đầy dẫy nhân tài, "Tứ quý” thì nắm trọn quyền bính và bao giờ
cũng bài xích những người không ăn cánh với mình. Tần Chiêu Vương lúc nào cũng ở tận trong nội
cung, lại bị các quyền thần quý thích bao vây, nên không thể nắm được tình hình cụ thể ở bên ngoài.
Thời Chiến Quốc là một thời kỳ tình hình luôn xáo trộn, trên vũ đài chính trị những mưu sĩ, những nhà
thuyết khách đông đảo, đi khắp nơi để tìm cơ hội tiến thân, vàng thau lẫn lộn, cho nên số người trong
tập đoàn thống trị cấp trên của nước Tần, không có ấn tượng tốt đẹp đối với những tân khách, biện sĩ
từ các nước Chư hầu đến. Họ cho số người này là bất tài, kém học, chỉ biết nói suông chứ không có
khả năng gì. Do vậy, Phạm Thư dù nghĩ đủ cách, vẫn khó chen chân vào được triều đình nhà Tần, để
thi triển sở học của mình.
Trong khi không còn cách nào khác hẳn, Phạm Thư bèn nhờ người gặp Tần Chiêu Vương để giới thiệu
về gia thế của mình. Chủ yếu nói : "Hiện nay có một người nước Ngụy, tên gọi Trương Lộc tiên sinh,
trí mưu hơn người, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Ông ấy muốn bái kiến Đại vương, và bảo: hiện nay
nước Tần đang lâm vào cảnh hết sức nguy hiểm. Nếu để mất Trương Lộc thì sẽ gặp nguy, mà được
Trương Lộc thì sẽ an toàn. Nguyên nhân tại sao, Trương Lộc phải gặp mặt Đại vương mới có thể nói
hết được"
Rõ ràng đây là những lời nói có ý phóng đại để cho Tần Chiêu Vương phải trọng thị. Nhưng, Tần
Chiêu Vương đâu phải là một nhà vua thiếu kiến thức ? Những chuyện na ná như thế, không phải mới
xảy ra lần đầu. Tần Chiêu Vương cho rằng, những mưu sĩ, những nhà du thuyết trong thiên hạ thường
thường vẫn thích rêu rao như thế. Cho nên nhà vua cũng không chú ý.