Thế là Phạm Thư lại thất bại. Ông trở về nhà trọ tiếp tục ăn cơm thô, uống trà nhạt. Phạm Thư sống
trong hoàn cảnh lo âu như vậy, không mấy chốc đã trôi qua một năm. Trên bầu trời thường có những
cụm mây đến mà không ai đoán biết trước, cũng như đời người thường có chuyện họa phúc tới với
mình mà không ai hay. Vui quá thành buồn, bỉ cực thái lai, đó là chuyện thường tình trong cuộc sống.
Đến năm Châu Noãn Vương thứ 45 (năm 270 trước công nguyên), Thừa tướng Nhượng Hầu Ngụy
Nhiễm muốn xua quân vượt qua nước Hán và nước Ngụy, để đi đánh nước Tề, chiếm lấy hai vùng đất
Cương, Thọ, nhằm mở rộng phạm vi vùng đất phong của cá nhân mình ở Định Đào. Phạm Thư cho
rằng đây là cơ hội tốt trời ban, hoàn toàn có thể chụp lấy để tiếp xúc với Tần Chiêu Vương, tranh thủ
nhà vua để chen chân vào triều đình nhà Tần.
Ngụy Nhiễm và Hoa Dương Quân đều là em trai của Tuyên Thái hậu. Lúc Chiêu Vương còn nhỏ,
Tuyên Thái hậu đã lâm triều chấp chánh, và đã ủy nhiệm cho Ngụy Nhiễm làm Thừa tướng, phong
chức Nhượng Hầu, và cũng phong chức cho người em trai khác làm Hoa Dương Quân, để nắm quyền
cai trị đất nước. Sau khi Chiêu Vương trưởng thành, bèn phong cho em trai của mẹ mình chức Kinh
Dương Quân và Cao Lăng Quân, có ý muốn chia bớt quyền hành trong tay bà mẹ. Chính vì vậy, mà
những người trong tông thất, trong quý thích có dịp nắm quyền trục lợi. Gia đình riêng của họ còn giàu
hơn cả Vương thất, khiến Chiêu Vương cảm thấy như nằm trên gai, nhưng không thể nói ra được.
Lần này, Nhượng Hầu muốn đánh Tề để chiếm thêm hai vùng đất Cương và Thọ, với mục đích mở
rộng thêm đất phong của mình ở Định Đào. Kết quả của hành động này chắc chắn sẽ tiến lên một bước
nữa, củng cố thực lực của Ngụy Nhiễm, khiến gốc càng to mà nhành càng dày, tạo ra tệ đoan là thần tử
còn mạnh hơn cả triều đình.
Dựa vào tình trạng phức tạp đó, cũng như dựa vào sự tìm hiểu, phân tích và phán đoán thế giới nội tâm
của Chiêu Vương suốt trong một năm qua, Phạm Thư mạnh dạn và dứt khoát gửi lên Chiêu Vương một
bức thư nữa, với mục đích bày tỏ lòng đại nghĩa của mình. Ông nhắm đúng vào những tệ đoan đang tồn
tại trong triều đình cũng như nỗi băn khoăn lo lắng của Chiêu Vương để đánh động nhà vua. Trong bức
thư này Phạm Thư viết : "Tôi nghe nói một vị vua anh minh khi chấp chánh, thì sẽ tưởng thưởng cho
người có công với nước, uy nhiệm trọng trách cho người có tài năng. Người có công to thì được
hưởng lộc hậu, có tài cao thì được tước vị cao. Cho nên người bất tài không dám lạm chức, người có
tài cũng không bao giờ bỏ rơi nhiệm vụ của mình. Trái lại, một nhà vua u mê bất tài, thì không phải
như vậy, mà chỉ thưởng cho người mình yêu thích, phạt người mình ghét bỏ. Sự thưởng phạt hoàn toàn
không có căn cứ, mà chỉ dựa vào cảm tình trong nhất thời. Tôi cũng nghe nói, người giỏi làm giàu cho
cá nhân mình, thường lấy của cải từ quốc gia, còn người giỏi làm giàu cho quốc gia, thì thường lấy của
cải từ của chư hầu. Khi thiên hạ có một vị quân vương anh minh, thì chư hầu sẽ không thể chuyên
quyền chuyên lợi. Đó là tại sao ? Vì vậy một nhà vua anh minh, bao giờ cũng giỏi việc cắt bớt quyền
bính của chư hầu. Một vị lương y có thể đoán biết sự chết sống của một bệnh nhân, còn một vị minh
chúa có thể đoán biết sự thành bại của nước nhà. Thấy việc có lợi thì thực hành, thấy việc có hại thì
xóa bỏ. Khi có lòng nghi thì bớt đi sự tưởng thưởng. Từ xưa tới nay, những vị minh quân như vua
Thuấn vua Ngu, đều làm như vậy cả. Có một số lời không tiện nói sâu ở bức thư này, nhưng nếu nói
không sâu thì không đủ làm cho Đại vương chú ý. Tôi mong Đại vương có thể cho một chút thời giờ
nhàn rỗi, để tôi được gặp mặt nói thẳng. Nếu những lời nói của tôi đối với việc trị quốc hưng bang
không có hiệu quả gì, thì tôi bằng lòng chịu sự trừng phạt nghiêm khắc. Vậy xin đừng vì khinh thường
tôi mà khinh thường cả người đã tiến cừ tôi".