Chỗ đáng quý và hiếm có trong bức thư du thuyết của Phạm Thư, là có một tư tưởng chính trị sâu sắc,
trực tiếp đề cập đến vấn đề chế độ dùng người. Về cách dùng người, ông cực lực chủ trương chọn
dùng những người hiền tài, tưởng thưởng cho những người có công về các mặt quân sự, chính trị, kinh
tế, cực lực phản đối cách dùng người chỉ nhắm vào những người thân. Trong thời kỳ đầu của xã hội
phong kiến, từ lâu đã quen dùng bà con giòng họ của mình. Cho nên tư tưởng này quả là một tia sáng
lấp lánh. Kế đó, Phạm Thư còn cực lực đả kích hiện tượng quyền thần nắm hết quyền bính của quốc
gia, và chỉ rõ mối nguy hại của việc triều đình thì suy yếu còn thần tử thì lại mạnh lên. Đối với việc
tăng cường trung ương tập quyền và củng cố địa vị thống trị của nhà vua, đó là những ý kiến rất sáng
suốt.
Tần Chiêu Vương là một nhà vua có hoài bão lớn thế nhưng tông thất và quý thích trong vương thất, đã
chiếm hầu hết quyền hành, khiến kế hoạch muốn làm cho nước giàu binh mạnh của nhà vua bị cản trở.
Đó chính là một nỗi băn khoăn mà nhà vua vẫn để trong lòng từ bấy nhiêu năm qua. Những lời nói
trong bức thư của Phạm Thư đã đánh trúng vào nỗi băn khoăn đó của Tần Chiêu Vương. Hơn nữa,
những lời nói bí ẩn, hàm súc viết trong thư làm cho Tần Chiêu Vương càng phải băn khoăn suy nghĩ,
muốn được giải đáp ngay. Nhất là trong bức thư Phạm Thư có thề, bảo đảm mình là người đủ mưu
lược để trị quốc, và có thể giúp cho Tần chiêu Vương thoát khỏi cảnh lúng túng trước mắt. Chính vì
vậy, Tần Chiêu Vương không thể không triệu kiến Phạm Thư. Qua đó cho thấy, Phạm Thư chẳng những
là người kinh luân đầy bụng, mà còn là người rất giỏi tính toán. Tần Chiêu Vương xem xong bức thư
quả nhiên rất xúc động, và cũng rất cao hứng, bèn cho người tưởng thưởng Vương Kê đã tiến cử được
người hiền tài. Đồng thời, cũng phái người hướng dẫn Phạm Thư vào cung để gặp mặt nhà vua. Một
người có mưu trí xuất chúng, trong khi cơ hội chưa đến với mình, có thể cố chịu đựng sự buồn tẻ.
Nhưng một khi có cơ hội đã xuất hiện, thì họ sẽ tìm đủ cách để lợi dụng cơ hội đó. Vì họ biết thời cơ
không thể để mất. Phạm Thư cũng là một người như vậy.
Trước khi Phạm Thư vào cung Tần, trong lòng đã suy nghĩ đầy đủ mọi việc. Ông đã chuẩn bị đây đủ
mọi chi tiết khi ra mắt nhà vua. Cho nên sau khi bước xuống xe, ông liền đi thẳng vào cung cấm. Tần
Chiêu Vương được mọi người theo hầu đang từ trong đi ra. Phạm Thư không tránh né, chừng như xem
chung quanh không có ai. Hoạn quan thấy thế, to tiếng quát bảo :
- Đại vương đã đến, tại sao không tránh mặt ?
Phạm Thư bình tĩnh phản bác :
- Nước Tần nào có Vương, mà chỉ có Thái hậu và Nhượng Hầu!
Lời nói đó rõ ràng là nhằm khích chí Tần Chiêu Vương. Do lời nói nhắm thẳng vào tệ đoan đương
thời, và đánh trúng vào tâm trạng của Tần Chiêu Vương nên đã thu được hiệu quả rất cao. Tần Chiêu
Vương nghe vậy, chẳng những không giận, mà trái lại mời Phạm Thư vào gian phòng kín, cư xử theo
bậc thượng khách, rồi hai người cùng nhau đàm luận mọi việc.
Phàm là người túc trí đa mưu, bao giờ cũng có thể xứ lý một cách thích đáng giữa hư và thực, giữa sự
căng thẳng và sự buông lỏng. Cho nên Phạm Thư đã nắm vững tâm lý của đối phương, càng muốn đi
sâu vào vấn đề cốt lõi, thì lại càng tỏ ra không quanh co, tránh né. Tần Chiêu Vương kính cẩn lên tiếng
hỏi :