- Tiên sinh có điều gì để dạy quả nhân ?
Phạm Thư lại "ấp a ấp úng", tránh trả lời thẳng câu hỏi trên. Phạm Thư tỏ thái độ như thế đến ba lần.
Tại sao vậy ? Một là ông muốn Tần Chiêu Vương ghi nhớ buổi nói chuyện này có tính cách rất quan
trọng ; hai là nhằm đề cao địa vị của mình trước mặt nhà vua.
Thấy Tần Chiêu Vương thiết tha muốn thỉnh giáo, nên thái độ của Phạm Thư rất thành khẩn, uyển
chuyển đáp :
- Thần vốn không dám làm như vậy. Xưa kia Khương Thượng ngồi buông câu bên bờ Vị Thủy, chờ khi
gặp được Châu Văn Vương, thì chỉ trong một lời nói là Văn Vương đã gọi bằng Thượng Phụ. Sau đó
nhà vua đã dùng mưu lược của Khương Thượng, tiêu diệt được nhà Thương và giành được thiên hạ.
Trong khi đó thì các đại thần như Cơ Tử, Tỷ Can, nguyên là quý thích và cũng là một bậc trung thần,
thường có lời can gián vua Trụ nhà Ân, nhưng vua Trụ chẳng phải không nghe, mà còn biến họ xuống
làm nô lệ, hoặc trừng trị bằng cực hình. Rốt cục, mọi người đều rời xa, nên Trụ Vương đã lâm vào
cảnh nước mất nhà tan, hết sức bi thảm. Hai thái độ đó, hai kết quả đó, không có nguyên nhân chi lạ,
mà chủ yếu là khác nhau ở chỗ tín nhiệm và không tín nhiệm. Nếu như Châu Văn Vương xa lánh
Khương Thượng, không tin mưu lược của người, thì Châu Văn Chương đâu phải là người có cái đức
của bậc thiên tử, và Văn Vương cũng như Võ Vương, sẽ không thể nào hoàn thành Vương nghiệp của
mình. Nay thần là người rời bỏ quê hương, từ xa đến đây sống nơi đất nước xa lạ, chung quanh không
có người thân, mà những lời cần nói, đều là đại kế có tương quan đến sự hưng vong của quốc gia, hoặc
có tương quan đến sự thân sơ đối với người cốt nhục của Đại vương. Nếu nói không sâu thì không hết
ý, không cứu được nước Tần. Vả lại, nếu nói quá nông cạn, thì cái họa của Cơ Tử và Tỷ Can trước
kia, sẽ giáng ngay xuống đầu thần. Cho nên Đại vương ba lần hỏi mà thần không dám nói, là vì không
biết Đại vương tin hay không tin đấy thôi.
Những lời nói mở đầu của Phạm Thư, chính là những lời nói mà ông suy nghĩ thật chín chắn. Phạm
Thư đã xem Chiêu Vương như Châu Văn Vương, Châu Võ Vương, làm cho lòng hiếu danh của nhà vua
cảm thấy thực thỏa mãn, giúp cho bầu không khí khi nói chuyện được thuận lợi hơn, cảm tình hơn giữa
hai người cũng được đậm đà hơn. Phạm Thư tự ví mình như Khương Thượng, tuy đang sống giữa chốn
núi non, nhưng lại là người có tài trị quốc, có thể giúp cho một vị minh chúa hoàn thành sự nghiệp một
cách oanh liệt. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ quân vương có “tin hay không tin". Có "dùng hay không dùng”.
Nếu là người hiền tài mà không được dùng, thậm chí đem giết đi, thì vị quân vương đó tự hạ mình
thành một vị bạo chúa, cũng như vua Trụ đời nhà Thương. Giết hiền tài có hại cho đất nước, là điều
đại kỵ của các vị minh quân từ xưa tới nay. Những lời nói đó chẳng những gióng lên một tiếng chuông
cảnh báo cho Tần Chiêu Vương, mà còn tranh thủ được sự an toàn cho bản thân mình.
Tiếp đó, Phạm Thư đã xoay quanh chủ đề "tin và không tin" để bàn luận thao thao :
- Đại vương tin lời nói của thần, thì dù chết thần cũng không xem đó là tai họa thiệt thân, không lấy đó
làm buồn. Dù phải xâm khắp mình mẩy để làm một thằng hủi, bỏ tóc xõa để làm một thằng điên, thần
cũng không cảm thấy đó là nhục. Thần chỉ sợ người trong thiên hạ thấy thần tỏ lòng tận trung mà lại bị
chết, rồi từ đó về sau không ai dám lên tiếng nói gì, không ai dám bước chân đến nước Tần này nữa.