- Lữ Bố là tướng vô cùng kiêu dũng, lại ỷ mình được Viên Thuật giúp đỡ, nếu để mặc cho hắn tung
hoành giữa vùng Hoài Thủy và Tứ Thủy, thì một số hào kiệt tất nhiên sẽ hưởng ứng. Bây giờ nên thừa
lúc Lữ Bố mới tạo phản, nội bộ còn chưa đồng tâm nhất trí với nhau, ta tiến đánh tức khắc, nhất định
sẽ được thành công.
Được sự trù hoạch của các mưu sĩ, mùa Thu năm đó, Tào Tháo đích thân chỉ huy đại quân tiến vào
phía Đông để thảo phạt Lữ Bố. Tháng mười đánh chiếm được Bành Thành, Lữ Bố lui về giữ Hạ Phi.
Quân Tào lại bao vây Hạ Phi và Tào Tháo lại viết thư khuyên Lữ Bố đầu hàng. Lữ Bố vốn có ý đầu
hàng, nhưng mưu sĩ Trần Cung khuyên nên tử thủ Hạ Phi, rồi lại phái người phá vòng vây đi cầu cứu
với Viên Thiệu.
Do tướng sĩ của Lữ Bố liều chết giữ thành, nên quân Tào dù đã tấn công mãnh liệt suốt hai tháng, mà
thành Hạ Phi bé nhỏ vẫn đứng trơ trơ. Tào Tháo thấy đánh lâu mà không hạ được thành, trong lòng rất
bực bội. Thêm vào đó, quân đội đã tác chiến liên miên không được nghỉ ngơi, tướng sĩ đều mệt mỏi,
lương thảo tiếp tế cũng gặp khó khăn, nên chuẩn bị rút lui trở về Hứa Đô, để chỉnh đốn đội ngũ, rồi sẽ
tìm dịp tấn công sau.
Một đạo binh mệt mỏi, mà lại đưa đi viễn chinh, là điều tối kỵ của binh gia. Đại quân hạ trại đóng
dưới chân một ngôi thành kiên cố, nếu kéo dài thời gian mà không hạ được thành, thì lại càng bất lợi.
Giờ đây, binh mã của Tào Tháo và Lữ Bố đều vô cùng mệt mỏi. Vậy, nếu ai có thể tiếp tục kiên trì
cuộc chiến đấu, thì người đó sẽ có hy vọng thắng lợi. Trong giờ phút quan trọng này, các mưu sĩ nghe
tin Tào Tháo chuẩn bị rút quân đều hết sức hốt hoảng. Tuân Du lập tức đến khuyên ngăn Tào Tháo
đừng rút quân. Quách Gia cũng nói :
- Trước kia, cả đời Hạng Võ đã đánh hơn bảy mươi trận lớn nhỏ, chưa từng bị bại, thế mà chỉ một trận
đánh tại Cai Hạ, ông ta đã sa vào thế thân chết nước mất. Nguyên nhân chính vì ông ta quá ỷ mình kiêu
dũng thiện chiến, nhưng lại thiếu mưu lược. Giờ đây Lữ Bố cũng là người hữu dũng vô mưu, lại liên
tiếp bị bại trận, nhuệ khí đã mất, dũng khí đã tiêu tan. Cho nên oai lực của Lữ Bố tuyệt đối không làm
sao bì kịp Hạng Võ. Trong khi đó hoàn cảnh bại trận khốn khó của ông ta hiện nay càng trầm trọng hơn
Hạng Võ xưa kia nhiều hơn. Vậy, nếu chúng ta thừa thắng tấn công mạnh lên, thì thành Hạ Phi nhất định
sẽ chiếm được, Lữ Bố nhất định sẽ bị bắt sống.
Tào Tháo nghe qua lời khuyên của hai người rất có lý, nên tiếp tục chỉ huy quân đội của mình tấn công
vào thành Hạ Phi.
Việc khuyên ngăn Tào Tháo đừng rút lui là chuyện không khó. Mà khó ở chỗ tướng sĩ và bá tánh trong
thành Hạ Phi, do ai ai cũng sợ thành bị hạ thì tất cả sẽ bị chém giết, nên họ đá quyết tâm cố thủ. Như
vậy, phải làm thế nào để hạ được thành, mới là vấn đề chủ yếu. Tất nhiên chỉ một mực tấn công, rõ
ràng không phải là thượng sách. Trong thời điểm này, đúng là thời điểm có đất dụng võ của các mưu
sĩ. Họ chủ trương dùng nước của hai con sông Tứ Thủy và Nghi Thủy để nhận chìm thành Hạ Phi.
Dùng nước để thay thế binh sĩ.
Tào Tháo đang cảm thấy bí lối, nên khi được diệu kế này tất nhiên là vui mừng ngoài sức tưởng tượng.
ông ta lập tức xuống lệnh cho binh sĩ đào kinh dẫn nước hai con sông nói trên, chảy cuồn cuộn vào
chân thành Hạ Phi. Thế là ngôi thành vững chắc như sắt thép kia, lại không chịu đựng nổi sự công phá