ngoài triều đình, Hồ Duy Dung đều xem qua trước. Thấy bản tấu chương nào có lợi cho mình thì hắn
trình lên nhà vua, thấy bản tấu chương nào có hại cho mình thì hắn giữ lại, giấu kín không báo lên cho
vua biết. Đồng thời, hắn tìm cơ hội để trừng trị quan viên nào vạch trần những tội lỗi của hắn. Trong
nhất thời, bao nhiêu vụ án đẫm máu đã xảy ra, khiến ai ai cũng căm hờn, oán hận, khiến cả triều đình
đều ngột ngạt không khí đen tối.
Chu Nguyên Chương cảm thấy mọi việc không ổn, đồng thời cũng thấy được những hành động khác
thường của Hồ Duy Dung. Cho nên nhà vua bèn liên tưởng đến việc Lưu Cơ trước đây có nói sau khi
dùng thuốc của Hồ Duy Dung thì trong bụng xuất hiện một vật cứng to bằng nắm tay. Lúc bấy giờ Thái
Tổ vẫn không để ý, nghĩ rằng Lưu Cơ đa nghi, nhưng nay nhớ lại thì mới thấy đó là một vấn đề nghiêm
trọng. Chắc chắn có người đã lợi dụng thang thuốc này để mưu hại Lưu Cơ. Thế là nhà vua ra lệnh tra
xét về cái chết của Lưu Cơ. Hồ Duy Dung biết mọi việc sắp bị bại lộ, nên nghĩ bụng : “Nếu hoàng
thượng tra xét cái chết của vị công thần này, khi biết được sự thật, thì làm sao có thể tha thứ cho ta ?
Vậy để bại lộ mà chết, thi chi bằng nổi lên làm loạn có chết cũng cam. Vậy ta phải tiên hạ thủ vi
cường, biết đâu còn tìm được cơ hội sống sót". Thế là hắn cấu kết với bè đảng của hắn, liên lạc với
giặc lùn ở ngoài biển, cũng như tàn binh của triều Nguyên, bí mật chuẩn bị việc đột kích vào triều đình
để giết hại Thái Tổ, lật đổ vương triều nhà Minh. Không ngờ mọi việc bị bại lộ, Thái Tổ kết tội hắn
mưu phản và đem chém. Số người liên lụy đến vụ án này lên đến hàng nghìn người. Sự tiên liệu của
Lưu Cơ quả đã ứng nghiệm. Sau khi vụ án Hồ Duy Dung giải quyết xong, quả nhiên Chu Nguyên
Chương lại nghĩ đến Lưu Cơ. Hai đứa con trai của Lưu Cơ bèn tuân theo lệnh cha, dâng lên triều đình
"Thiên văn thư” và bản mật tấu. Thái Tổ tiếp nhận những di vật này, có cảm tưởng như trông thấy vị
lão thần trung thành với mình, nên đã cảm động đến rơi lệ. Nhà vua nói với hai đứa con trai của Lưu
Cơ :
- Khi Lưu Bá Ôn còn sống. Cả triều đình đều là bọn "Hồ đảng", chỉ riêng có một mình ông ấy là không
theo chúng, nên mới bị chúng thư (bỏ thuốc độc).
Năm thứ mười ba niên hiệu Hồng Võ (1380) Chu Nguyên Chương ban bố cáo mệnh, ra lệnh cho con
cháu của Lưu Cơ được hưởng tước lộc truyền từ đời này qua đời khác của Thành ý Bá. Lưu Cơ mặc
dù chưa từng chính thức giữ chức Thừa tướng của triều đình, nhưng với tài đức của ông, công huân
trác tuyệt của ông, đã được người hậu thế hoài niệm và tôn kính. Minh Võ Tông đã khen tặng ông là
người "Độ giang sách sĩ vô song, khai quốc văn thần đệ nhất" (nhà mưu lược có một không hai đã giúp
cho triều nhà Minh vượt sông để bình định thiên hạ, cũng là bậc văn thần khai quốc đứng hàng đầu).
Lưu Cơ là một phần tử trí thức của giới địa chủ, thời trẻ tuổi sự học vấn đã uyên thâm, là người "thông
cổ kim chi biến" (tinh thông mọi sự diễn biến tự cổ chí kim). Thoạt tiên ông từng phục vụ cho giới
thống trị của triều nhà Nguyên, nhưng về sau do bất mãn trước sự hủ bại đen tối của Nguyên Thuật Đế,
nên đã đi theo con đường chống lại sự áp bức dân tộc, và bị lôi cuốn vào dòng xoáy của cuộc nông
dân khởi nghĩa cuối đời nhà Nguyên. Ông theo Chu Nguyên Chương Nam chinh Bắc chiến, vận trù
định mưu cho đế quốc đại Minh. Ông đã cống hiến cho triều nhà Minh nhiều sách lược quan trọng.
Ông làm quan thanh liêm ngay thẳng, lúc nào cũng chống lại tham quan ô lại, chủ trương làm việc cho
đất nước một cách trong sạch. Ông có tính ngay thẳng, không biết sợ cường quyền, không a dua theo
bọn quyền quý. Ông là người siêu thoát trong những cuộc đấu tranh giữa các hệ phái chính trị trong
triều đình, tự mình giữ mình trong sạch, đứng ngoài sự quyến rũ về vật chất. Chỉ đáng tiếc một người
tài trí hơn người như ông, lại không thoát khỏi sự hãm hại của kẻ tiểu nhân hèn hạ. Đứng trước sự vu
cáo ông không có cách nào chống đỡ, dẫn đến phải ôm hận mang xuống tuyền đài. Sự thật đó phản ánh
một cách sâu sắc sự khuynh đảo tàn nhẫn giữa nhau trong tập đoàn chính trị xã hội phong kiến.