Đôi lúc, bạn có thể nghĩ rằng chúng ta chán ngán tất cả mọi thứ, rằng
chúng ta cực kỳ bi quan. Nhưng không!
Chủ nghĩa bi quan: Tập trung vào thất bại
Có thể với bản chất của của các phương tiện thông tin đại chúng hiện
nay, sự bi quan trước tương lai là điều không thể tránh khỏi. TV trở thành
món quà lớn nhất của chủ nghĩa bi quan từ thời của Malthus. Đó là một
lăng kính mà qua đó, chúng ta sẽ nhìn thấy thế giới, và cái thế giới qua lăng
kính đó chẳng đẹp đẽ tí nào.
Một người bạn làm trong ngành kiến trúc nói với tôi rằng anh ấy thậm
chí có thể làm cho tòa nhà đẹp nhất thế giới trông xấu xí hẳn đi. Theo anh
ấy thì để làm được điều đó, bạn chỉ cần chụp ảnh nó ở một góc độ nhất
định, nhấn mạnh những yếu tố cụ thể nào đó theo những cách nhất định, và
những cái gì đẹp đẽ sẽ được làm cho trở nên xấu xí. Rồi đột nhiên, kể cả
những tòa nhà chọc trời duyên dáng cũng sẽ trông giống như một căn nhà
xấu xí ở ngoại ô.
Nếu bạn chỉ tập trung chú ý vào những thất bại hết ngày này qua ngày
khác, nó sẽ hình thành quan điểm của bạn đối với cuộc sống và với tương
lai. Tôi rất thích hai câu thơ cũ, đôi khi được cho là của Robert Louis
Stevenson, đôi khi lại được coi là ngạn ngữ cổ: “Hai người tù nhìn qua
song sắt nhà giam. Một người nhìn thấy đầm lầy, còn người kia thấy những
vì sao”. Một góc nhìn, một quan điểm chính là cái tạo nên những khác biệt
trong việc bạn tạo nên cái thế giới của riêng mình.
Ngành truyền thông không phải là ngành đưa tin tốt đến cho mọi người.
Nó là cả một mớ tin xấu, buộc mọi người phải ngồi lại với nhau và lưu tâm
đến. Và điều đó rất có ý nghĩa. Hàng triệu chiếc xe lưu thông qua lại một
cách an toàn là một thông tin tốt. Nhưng nếu mười chiếc xe hơi gặp tai nạn
nghiêm trọng sẽ tạo thành một bản tin.
Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ bị ngập lụt trong tin tức như bây giờ.
Những chuyện tồi tệ xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi lúc.