Từ tháng 9 trở đi, ông dẫn quân hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với quân dã
chiến Trần Nghị - Túc Dụ và binh đoàn Trần Canh, Tạ Phú Trị, di chuyển
trên phạm vi rộng, tổng cộng tiêu diệt hơn 34 vạn quân địch, giải phóng hơn
100 huyện thành, buộc Tưởng Giới Thạch phải rút 10 lữ đoàn từ Thiểm Bắc
và Sơn Đông đến chi viện. Điều này đã khiến cho Quốc dân Đảng phải thay
đổi chiến lược từ trọng điểm tiến công chuyển sang phòng ngự chiến lược
và như vậy là chiến sự toàn quốc đã đảo ngược 180oC.
Căn cứ vào quyết định của quân uỷ trung ương, ông đã cùng với Đặng
Tiểu Bình, Túc Dụ, Đàn Chấn Lâm lập thành tổng uỷ ban tiền tuyến thống
nhất chỉ huy bộ đội Hoa Đông, Trung Nguyên, tiến hành chiến dịch Hoài
Hải vĩ đại, và trận quyết chiến với quân chủ lực Quốc dân Đảng tại khu vực
Từ Bạng, tổng cộng tiêu diệt hơn 55 vạn quân địch. Chiến dịch đã kết thúc
với thắng lợi rực rỡ.
Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập, ông đã
cùng với Đặng Tiểu Bình chỉ huy quân đoàn dã chiến số 2, một bộ phận
quân đoàn dã chiến số 1 và số 4 thẳng tiến đến Tây Nam, thực hiện xuất sắc
phương châm tác chiến đánh úp, bao vây và truy kích từ cự ly xa do Mao
Trạch Đông đề ra. Ba tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam và Quý Châu đã được giải
phóng, âm mưu cát cứ Tây Nam, ngóc đầu vùng dậy của Tưởng Giới Thạch
đã bị đập tan hoàn toàn.
Năm 1962, ông còn chỉ huy tác chiến phản kích tự vệ biên giới Trung -
Ấn.
Trong nhiều năm chỉ huy chiến đấu, ông đã tích luỹ được vô số kinh
nghiệm, rút ra rất nhiều bài học, tổng kết những chiến pháp hữu dụng, từ đó
đưa ra một quy luật tác chiến và hệ thống lý luận phù hợp với đặc điểm của
quân đội Trung Quốc.
Trong tác chiến dùng binh, ông luôn coi trọng thực sự cầu thị, ứng biến
linh hoạt. Các tác phẩm quân sự của ông được tập hợp thành "Văn kiện
quân sự Lưu Bá Thừa", đây là một bộ phận cấu thành quan trọng của tư
tưởng quân sự Mao Trạch Đông.