Năm 42 TCN, Antony nhậm chức tổng đốc tại một tỉnh thuộc miền đông
La Mã, sau đó ông đến Ai Cập. Nữ hoàng Ai Cập là một phụ nữ tài sắc vẹn
toàn, bà đã từng có hôn ước với cha nuôi Caesar của Octavian nhưng sau
khi Caesar qua đời, bà ở vậy để trị vì vương quốc của mình. Antony đã say
mê nữ hoàng Ai Cập đẹp như tiên nữ này, và họ đã yêu nhau. Một thời gian
sau, hai đứa con sinh đôi ra đời. Antony đã tặng vùng đất mà mình làm tổng
đốc cho nữ hoàng Ai Cập và các con của mình. Hành động phá hoại sự
thống nhất toàn vẹn lãnh thổ La Mã của Antony đã làm cho người dân La
Mã vô cùng phẫn nộ.
Nhân cơ hội này, Octavian đã thổi bùng lên ngọn lửa căm phẫn trong
lòng mọi người. Sau cùng, Viện Nguyên lão và Quốc hội La Mã đã tuyên
bố tước bỏ quyền lực của Antony và quyết định tiến hành cuộc chinh phạt
đối với Antony và nữ hoàng Ai Cập. Tháng 9 năm 31 TCN, một cuộc chiến
trên toàn vùng biển Tây Bắc Hi Lạp đã nổ ra giữa hạm đội của quân thảo
phạt La Mã với hạm đội của Antony và nữ hoàng Ai Cập.
Hai bên ngang tài ngang sức nên trận chiến bất phân thắng bại, nhưng
đúng vào lúc quyết liệt nhất của trận chiến thì nữ hoàng Ai Cập bất ngờ dẫn
hạm đội Ai Cập rút lui khỏi trận chiến và chạy về Ai Cập. Nữ hoàng rút lui,
Antony như rắn không đầu, nhanh chóng bị quân thảo phạt của La Mã tiêu
diệt. Mùa hạ năm sau, Octavian đã tiến quân vào thủ đô Ai Cập. Vào lúc thế
cục đã mất, Antony đã đòi quyết đấu với Octavian, nhưng Octavian đã trả
lời: "Không cần thiết phải như vậy, nếu nhà ngươi muốn chết thì vẫn còn
nhiều cách khác". Antony không còn cách nào khác, buộc phải rút kiếm tự
sát ngay trong doanh trại.
Khi Octavian quay trở về La Mã thì ông đã trở thành nhân vật vĩ đại
giống như Caesar. Đế quốc La Mã của ông ở phía Bắc bắt đầu từ sông
Danube, phía Nam đến châu Phi (vùng đất Bắc Phi bao gồm cả Ai Cập),
phía tây đến tận bán đảo Iberia, phía đông đến lưu vực sông Lưỡng Hà và
bán đảo Asia Minor, tạo nên một đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử cổ đại,
biến Địa Trung Hải trở thành một cái hồ trong lòng đế quốc La Mã.