phương thức sản xuất của chủ nghĩa tư bản, và dần dần trở thành quý tộc
Phổ bị tư sản hóa.
Bismarck ý thức được rằng việc thống nhất nước Đức là điều không gì
cản trở được, muốn cứu vãn được thể chế chính trị của quốc vương Phổ và
lợi ích của quý tộc Phổ thì chỉ có cách là phải nắm được quyền lực lãnh đạo
phong trào thống nhất. Một mặt, ông chủ trương dùng sức mạnh để khuất
phục giai cấp tư sản, trấn áp phong trào cách mạng của giai cấp vô sản, mặt
khác ông cũng hiểu rất rõ rằng các cường quốc châu Âu, bất luận là Nga
hay Pháp, đều sẽ ngăn chặn việc thống nhất nước Đức. Trong nội bộ nước
Đức, quyền lực bá chủ của Phổ nhất định sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt
từ phía nước Áo. Đối với những chướng ngại vật này, chỉ có thể dùng vũ
lực làm hậu thuẫn.
Tháng 6 năm 1862, Bismarck được bổ nhiệm giữ trọng trách vừa là Thủ
tướng, vừa là nhà ngoại giao của Phổ. Tháng 9 năm đó, trong diễn thuyết
lần đầu tiên tại nghị viện, ông đã lớn tiếng tuyên bố: "Điều mà nước Đức để
ý đến không phải là chủ nghĩa tự do của Phổ mà là quyền lực, Phổ buộc
phải tích cực chuẩn bị lực lượng của mình để chờ đợi thời cơ, thời cơ như
thế này chúng ta đã bỏ lỡ mấy lần rồi, vấn đề trọng đại hiện nay không thể
được giải quyết bằng việc thông qua diễn thuyết hoặc quyết nghị của đa số
(đây chính là sai lầm của năm 1848 và năm 1849) mà là phải dùng thép và
máu".
"Thép và máu" của Bismarck là cương lĩnh và cơ sở niềm tin của đại
nghiệp thống nhất đất nước Đức của ông, "tể tướng máu thép" từ đây đã nổi
danh thiên hạ với "Chính sách máu và thép". Bismarck đã dựa vào kiểu bạo
lực này, mạnh bạo và khôn khéo lợi dụng bối cảnh quốc tế chia rẽ và thời
cơ có lợi để đưa nước Đức đến thống nhất thông qua con đường "từ trên
xuống dưới". Bước đầu tiên thống nhất nước Đức của Bismarck là gây
chiến với Đan Mạch vào năm 1864, thôn tính hai nước chư hầu của Đan
Mạch là Schlewig và Holstein (cư dân đa số là người Đức).