Đó là thời kì hết sức khó khăn của nước Nga: chiến tranh với Thụy
Điển chưa kết thúc thì Thổ Nhĩ Kì đã lăm le dọa tấn công từ miền Nam.
Cần phải làm tất cả để ngăn chặn điều này.
Khi cử P. Tolstoi sang Thổ Nhĩ Kì, Nga hoàng Piot'r đã trao cho ông
một nhiệm vụ rõ ràng mang tính chất của hoạt động tình báo: "Cần thăm dò
và miêu tả cư dân bản địa; tình trạng; cách cai trị ở đó; những nhân vật
trong triều đình; những hành động nào từ phía họ trong quan hệ với các
quốc gia khác sẽ được thực hiện trong quân sự và chính trị; việc tìm kiếm
và gia tăng các lợi nhuận hoặc sự âm thầm chuẩn bị cho chiến tranh, chống
lại ai, bằng đường bộ hay đường biển; họ coi trọng quốc gia nào hơn cả; họ
ưu ái dân tộc nào hơn cả." Tóm lại là tất cả mọi tin tức, còn đây là nhiệm
vụ cụ thể về quân sự: "Số lượng quân bao nhiêu, đóng sẵn ở đâu, ngân sách
nhà nước chi cho quân đội là bao nhiêu; tình hình hạm đội tàu biển, có sự
chuẩn bị gì đặc biệt trên biển Đen không; kị binh và bộ binh sau cuộc chiến
tranh với Nga hoàng có được huấn luyện theo lối châu Âu hay không; lính
pháo thủ vẫn ở trong tình trạng cũ hay đã được huấn luyện lại, ai huấn
luyện họ".
Nhưng Tolstoi làm sao có thể hoạt động ở một đất nước xa lạ, không
dựa được vào ai nếu không có lấy một người thân cận? Và người ta đã tìm
ra được một người. Đó chính là giáo chủ Dosifei ở Jeruzalem. Ông này có
nhiều gián điệp của mình trong số tín đồ Chính thống giáo giữ các chức vụ
khác nhau trong các lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kì. Những người này có khả
năng mua chuộc bằng hối lộ các quan chức Thổ Nhĩ Kì. Bản thân Dosifei là
một đại diện ngầm của Nga hoàng Piot'r và vẫn thường xuyên duy trì liên
lạc qua các tăng lữ tùy phái. Tolstoi tìm được tiếng nói chung với Dosifei
và trở nên thân thiết với ông. Dosifei đã thực hiện nhiều yêu cầu và ủy thác
của Tolstoi bất chấp nguy hiểm chết người - bởi ông không phải là nhà
ngoại giao và Sultan (quốc vương) Thổ Nhĩ Kì có thể bắt và xử tội chết
ông.