Việc phát hiện và trấn áp được vụ tạo phản mưu sát hoàng đế đã nâng
cao uy tín của Fouche trong con mắt Napoleon. Đôi khi nhà vua có việc đi
vắng, Fouche đã thực sự điều hành đất nước thay ông.
Fouche tiếp tục lãnh đạo cả cảnh sát lẫn phản gián và đã thực thi cái gọi
là "các biện pháp tích cực". Chẳng hạn như trong chiến dịch năm 1807, để
đẩy cho Hungari đụng độ với Áo, Fouche đã cho tung vào Hungari những
tờ báo chứng minh Áo và Anh đã lừa dân Hungari.
Ngay từ cuộc họp Nga-Pháp ở Erfort năm 1808 Fouche đã cùng Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao Talleyrand bí mật bày mưu tính kế chống lại hoàng
đế. Trò này được họ thực thi mỗi khi họ cảm thấy số phận của nhà vua bị
đe dọa. Mỗi lần như vậy họ tìm mọi cách để có thể tự mình thay thế nhà
vua, cũng có lúc thay hoàng đế bằng một nhân vật khác hoặc nếu cần thì
phế bỏ thậm chí nhanh chóng kết liễu số phận của hoàng đế để kịp tự cứu
khi vương triều sụp đổ. Một trong những vụ dàn dựng tương tự là vào năm
1808, lúc Napoleon lên đường đến Tây Ban Nha. Khi ấy họ đã bí mật
chuẩn bị một chính phủ mới mà về hình thức là do phò mã Murat đứng đầu,
song thực quyền trong tay họ.
Ngoại trưởng Áo đã thông báo vụ việc cho chính phủ mình, còn
Napoleon thì nhận được những bức thư bắt được. Hoàng đế đã nổi cơn
thịnh nộ về ngay Paris, nhưng cuối cùng những người mưu phản lại được...
tha bổng. Chỉ có điều sức chịu đựng của hoàng đế có giới hạn, năm 1810
Napoleon cách chức Fouche, một con người nhanh trí, khôn khéo, am hiểu,
biết nhiều và bổ nhiệm tướng Rene Xavary, quận công Rovigo, một người
chậm chạp, ngây độn nhưng cần mẫn, lên thay thế.
Việc thay đổi người đứng đầu cảnh sát tất nhiên không thể không ầm ĩ
bê bối khiến Napoleon phải ra lệnh: "Ngài quận công Otrate, ông không
còn cần cho tôi nữa. Trong vòng 24 tiếng ông phải thu xếp rời đến chỗ làm
việc mới." Tướng Rene Xavary, bộ trưởng cảnh sát mới, được lệnh theo dõi
sao cho Fouche nhanh chóng rời khỏi Pháp.