đến làm việc tại sứ quán Tây Đức tại Varsava. "Krans" với vỏ bọc của mình
buộc phải ở lại Tây Đức. "Rita" đã yêu một chàng phóng viên là nhân viên
của Cục Tình báo Liên bang và thú nhận toàn bộ sự việc với anh này.
Nhưng trước đó cô thông báo qua điện thoại cho "Krans". Anh đã kịp trốn
thoát về Đông Đức.
Theo yêu cầu của Wolf, các sĩ quan tình báo Ba Lan tại sân bay trước
khi "Rita" lên đường về Bonn đề nghị cô tị nạn chính trị tại Ba Lan. Cô có
dao động trong khoảnh khắc nhưng rồi vẫn lên máy bay. Tại Bonn cô thành
khẩn khai báo mọi thông tin về hoạt động cho tình báo Đông Đức của mình
và về "Krans".
Nhưng anh chàng điệp viên đúng là người "không thể kháng cự". Anh
ta lại kiếm được một phụ nữ khác về sau nhận mật danh "Inga". Cô biết tất
cả về anh, lại còn đọc được bài báo về vụ "Rita" kèm ảnh của "Krans". Bất
chấp tất cả, cô đã tích cực hoạt động, khá nhanh chóng kiếm được một vị trí
tại Bonn, tại Tổng nha Thủ tướng Liên bang, và trong suốt nhiều năm đã
cung cấp cho tình báo Đông Đức những thông tin chất lượng hàng đầu.
"Inga" mơ ước được chính thức lấy "Krans" làm chồng, nhưng ở Tây Đức
điều này không thể được. Họ quyết định tiến hành kết hôn tại Đông Đức.
Người ta cấp cho "Inga" giấy tờ mang tên họ thời con gái và tại một ủy ban
vùng giáp biên giới họ đã chính thức hóa quan hệ vợ chồng. Sự thật là trang
đăng ký kết hôn của họ đã bị thu và hủy, mà đôi vợ chồng không thể biết
được vào thời gian đó.
Năm 1979, Cục Phản gián Tây Đức đã giáng những đòn nặng nề vào
hoạt động tình báo của Đông Đức. Mười sáu điệp viên bị bắt. Rất nhiều
người, trong đó có "đôi vợ chồng" này phải trốn về Đông Đức. Một số họ
tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân và bắt đầu cuộc sống gia đình bình
thường.
Nhưng hoạt động tình báo vẫn tiếp diễn hiệu quả với việc sử dụng
những biện pháp truyền thống, cũng như "hoạt động gián điệp tình yêu".