(Cụm từ "biện pháp truyền thống" ý nói đến hoạt động tình báo thông
thường của đàn ông).
Những năm 1950 là thời kỳ hoạt động của nhóm Kornbrenner do một
cựu nhân viên SD - Cục An ninh Quốc xã - đứng đầu. Đây có lẽ là trường
hợp duy nhất khi cơ quan tình báo Đông Đức sử dụng một cựu thành viên
Quốc xã tích cực.
Một trong những điệp viên thành công là Adolf Kanter (mật danh là
"Fichtel"). Anh được cài vào nhóm thân cận với một chính khách trẻ là thủ
tướng tương lai Helmut Kol. Quả thật là sự đi lên của anh trong hàng ngũ
những người ủng hộ Kol chấm dứt vì lời buộc tội vô lý về sử dụng tiền
quyên góp không có mục đích mà về sau cũng thanh minh được. Nhưng với
nhóm của Kol anh giữ được các mối quan hệ tốt đẹp. Năm 1974 anh trở
thành phó ban đại diện tại Bonn của doanh nghiệp Flik và không chỉ
chuyển các thông tin về mối liên hệ của đại doanh nghiệp với chính trị, mà
bản thân cũng có ảnh hưởng đến sự phân chia những khoản "quyên góp"
kếch xù.
Năm 1981, khi ở Bonn xảy ra vụ bê bối lớn liên quan đến những khoản
tiền "quyên góp" này, tình báo Đông Đức, để bảo vệ cơ sở của mình, đã
không chuyển tư liệu cho các phương tiện thông tin đại chúng Tây Đức,
mặc dù cơ quan này nắm được rất nhiều bí mật về vụ này. Sau vụ bê bối,
ban đại diện tại Bonn bị giải thể, nhưng Kanter vẫn giữ được các quan hệ
của mình trong bộ máy đảng và chính phủ Tây Đức và tiếp tục chuyển tin
về cho tình báo Đông Đức. Mãi đến năm 1994, Kanter mới bị bắt và bị kết
án hai năm tù treo. Rõ ràng là việc anh đã không khai ra nhiều chuyện về
cuộc sống của giới chính khách Bonn đã có tác dụng.
Markus Wolf gọi điệp viên "Freddy" của mình là "đầu mối hết sức quan
trọng" (ông không bật mí tên thật của điệp viên này) trong nhóm thân cận
của Willi Brandt. Điệp viên này đã hoạt động hết sức hiệu quả nhưng vào
cuối những năm 1960 đã chết vì đột quỵ.