không chỉ không khai ra ai cả mà thậm chí bắt đầu đấu tranh tích cực đòi
được quyền gặp gỡ với sứ thần của vua Moldavia là Kantemir và thông qua
ông này thiết lập tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Gần một năm rưỡi Tolstoi ở trong nhà tù Thổ Nhĩ Kì, sau đó, trước khi
hòa ước được kí kết, nhờ hối lộ (tiền và lông chồn bạc của mình lúc này
ông không có nhưng được các gián điệp khác giúp đỡ) ông được trả tự do.
Nhưng người Thổ Nhĩ Kì không muốn thả cho ông về Nga, họ bao vây ông
bằng một vòng dày đặc mật thám. Nhưng cả trong những điều kiện đó,
Tolstoi vẫn móc nối được với cơ sở của mình và chuyển thông tin về tình
hình trong cung Sultan, về chính phủ và về ngoại giao đoàn Thổ Nhĩ Kì.
Trong lúc đó chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kì vẫn tiếp diễn. Năm
1711 khi quân Nga lâm vào tình thế nguy kịch, Nga hoàng Piot'r giao cho
pháp quan Piot'r Safirov nhiệm vụ mua chuộc các quan đại thần của kẻ thù.
Nhưng kế hoạch lần này phá sản, bản thân Safirov và con trai đại nguyên
soái Seremetev bị người Thổ Nhĩ Kì bắt giữ làm con tin.
Safirov đến Stambul và nhanh chóng nắm được tình hình, khôi phục
một phần bộ máy tình báo của Tolstoi, tìm kiếm những cuộc làm quen mới
và tuyển mộ thêm điệp viên. Ông ta cũng bắt đầu phân phát của hối lộ. Để
mufti phản đối tiếp tục chiến tranh, ông ta đã chi một khoản tiền rất lớn.
Sau đó Safirov tiếp tục mua chuộc những người khác với cùng mục đích
như vậy, trong đó có hai sứ thần Hà Lan và Anh. Chi phí cho mua chuộc,
hối lộ và quà tặng lên đến tám mươi tư nghìn đồng vàng Thụy Sĩ và hai
mươi hai nghìn rúp Nga.
Hòa bình thực sự được thiết lập với việc kí kết hòa ước tháng 4 năm
1712, và một trong các điều khoản của nó là trao trả các nhà ngoại giao bị
bắt giữ trở về tổ quốc.
P.Tolstoi lại hoàn thành thêm một nhiệm vụ vẻ vang nữa do Nga hoàng
giao phó là đưa kẻ bỏ trốn là hoàng tử Alecsei trở về Nga.