11
SỬ MINH
XÉT ÁN TỎ TƯỜNG
Vào năm Kiến Nguyên thứ tư, tức là khoảng năm 483 ở đất Tề,
dưới sự cai trị sáng suốt của Cao đế Tiêu Đạo Thành, đất nước có
nhiều quan lại thanh liêm, biết lo lắng cho dân. Tiêu Đạo Thành tuy là
Hoàng đế nhưng rất hâm mộ Phật pháp, không những khuyến khích
người dân tu hành mà còn lấy nhân nghĩa để cảm hóa con người. Các
quan lại cũng vì vậy mà theo gương Hoàng đế, luôn luôn lấy chính
trực và đạo đức làm đầu để cai trị. Trong số những vị quan thanh liêm
và có tài năng là một vị quan huyện tên là Sử Minh, ông học rộng tài
cao, trí tuệ sáng suốt, nhất là tài xét đoán các vụ án thì chưa sai chạy
bao giờ. Sử Minh xuất thân từ khoa bảng, đậu Tiến sĩ rồi được bổ về
làm Huyện lệnh Lâm Tri, sau nhiều năm làm quan vẫn thanh liêm
chính trực, được dân chúng khắp vùng ca tụng.
Một ngày kia có tên vô lại là Triệu Đại đệ đơn lên công đường, tố
cáo người bạn tên là Trương Thuận giết người cướp của, sau đó vất
xác nạn nhân xuống cái giếng sâu ở ngoại thành. Cái giếng này được
người dân ở Lâm Tri gọi là giếng Thâm Tỉnh. Dựa theo lời tố cáo, Sử
Minh lập tức viết trát sai bộ khoái tập nã Trương Thuận, giải về công
đường thẩm vấn. Khi xét trong nhà của Trương Thuận quả nhiên tìm
thấy một số bạc lớn, vì vậy Sử Minh đã toan làm án đưa hắn lên phủ.
Thế nhưng Trương Thuận một mực kêu oan, cho biết số bạc ấy là của
anh rể mình tên Chử Trung gởi nhờ mua đất cát ở Lâm Tri chứ không
phải tài vật cướp được.