Nỗ lực dạy trẻ thành thật của gia đình tôi đã đạt được
một tiến bộ thú vị khi cô con gái 20 tháng tuổi, Charity,
học được hai từ mới. Con bé đã biết cách nói tên của
từng người trong số tám anh chị của con bé (hoặc ít
nhất là tên bọn trẻ theo cách gọi của con bé). Một tuần
sau đó, con bé học được hai từ mới: làm nó. Với hai từ
này và tên của các anh, chị, con bé thường xuyên bô lô,
ba la và trở thành chuyên gia “mách lẻo”. Bất cứ khi
nào chúng tôi hỏi “Ai bày bừa ra thế này?” hoặc “Ai bóp
kem đánh răng ra thế kia?”, Charity bé bỏng, giám sát
viên nhí tuyệt vời, sẽ nói cho chúng tôi biết câu trả lời.
Kết quả là những đứa trẻ khác cũng trở nên thành thật
hơn - hoặc ít nhất cũng nhanh chóng thành thật hơn
về điều chúng đã làm. Một trong các anh của con bé
bắt đầu gọi con bé là Người thi hành luật.
--- Richard
Trò chơi thành thật - về - cảm xúc
Điều này sẽ giúp trẻ nhỏ nhận ra cảm xúc bắt nguồn từ
chuyện đã xảy ra - và hoàn toàn bình thường khi có cảm xúc
về việc gì đó, và cũng hoàn toàn bình thường khi nói thật với
người khác về cảm nhận của mình. Hãy lướt qua một cuốn
tạp chí (loại có nhiều quảng cáo và các hình màu), chỉ vào
một gương mặt nào đó và hỏi “Con nghĩ ông ta cảm thấy thế
nào?” Sau đó, hãy hỏi “Tại sao con lại nghĩ ông ta cảm thấy
như vậy?” Sau đó tiếp tục hỏi “Ông ta cảm thấy như vậy có
tốt không con?”
Hãy giúp trẻ xác định được cảm xúc và nguyên nhân có thể
của những cảm xúc đó, đồng thời giúp trẻ nhận biết rằng
nói thật với người khác về cảm nhận của mình là điều hoàn
toàn bình thường.