Điều này có thể giúp trẻ vị thành niên chậm trưởng thành
vẫn giữ được hình ảnh tốt đẹp về bản thân. Hãy thảo luận
một cách cởi mở với những trẻ mới bước vào giai đoạn tuổi vị
thành niên về quá trình dậy thì và những thay đổi hoóc-môn
(như đã đề cập trong tháng “điềm tĩnh”). Hãy nhớ đưa
thêm vấn đề mỗi người trưởng thành vào một thời điểm
khác nhau vào cuộc thảo luận. Nếu con bạn thuộc dạng trẻ vị
thành niên chậm trưởng thành, hãy trấn an trẻ rằng chúng
sẽ bắt kịp (những trẻ khác) và rằng phát triển chậm cũng có
một số lợi ích. Nếu bạn có thể tìm được câu chuyện ngắn
của Irwin Shaw “Chạy 80 thước” (The Eighty-Yard Run), hãy
cùng đọc to câu chuyện đó lên. Đó là câu chuyện về một cậu
bé đã có một trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc thi chạy đầu
tiên, nhưng sau đó lại phát hiện ra mọi thứ dần hạ xuống
cực điểm. Đây là câu chuyện hay để minh họa cho những lợi
ích của việc phát triển và trưởng thành từ từ.
Trong số các cô con gái của chúng tôi, có một bé đặc
biệt có khả năng thuyết phục người khác. Con bé đã
giành được vô số giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi
hùng biện ở trường, và một kỷ lục không ai đánh bại
được trong gia đình về việc tranh cãi! Vấn đề duy
nhất với biệt tài này là con bé thường dùng nó để bào
chữa và khiến cho việc thừa nhận lỗi sai, chịu trách
nhiệm hoặc xin lỗi trở nên khó khăn.
Một hôm, chúng tôi đọc được một bài viết ngắn của C.
S. Lewis
về sự khác biệt giữa việc xin miễn tội với xin
tha thứ. Con bé rất ấn tượng với sự khác biệt này và
hiểu rằng việc thứ nhất không cần mấy sự nỗ lực
thật sự, và có thể đẩy mọi người ra xa nhau hơn. Việc thứ
hai tạo ra sự đầm ấm kéo mọi người lại gần nhau.
Chúng tôi đã cùng quyết định rằng chỉ ra những việc
chúng tôi đã làm sai và nhận lỗi mà không bào chữa là
phần quan trọng nhất làm nên sự tự lực và là điều
cốt lõi của quan hệ tốt đẹp giữa người với người.