đánh dẹp “An Lộc Sơn chi loạn” nên biên cương hầu như bỏ trống,
nhân cơ hội đó thế lực quân phiệt của người Thổ Phiên liền tấn công
và chiếm được Phụng Thiên.
Một lần nữa Đại tông phải nhờ đến tài ba của Quách Tử Nghi, sai
ông mau chóng điều quân đi đánh dẹp. Thấy số quân của mình quá ít,
Quách Tử Nghi nhiều lần tâu xin thêm nhưng tất cả đều bị tên gian
thần Trình Nguyên Chấn giấu đi, vì vậy Quách Tử Nghi không sao
chống đỡ nổi, phải từng bước rút lui. Cuối cùng quân Thổ Phiên kéo
đến Trường An uy hiếp. Bất đắc dĩ Đại tông phải cùng quần thần chạy
về Lạc Dương châu lánh nạn. Các lộ quân triều Đường đóng ở Trường
An và Thương châu nghe tin này đều tự động bỏ hàng ngũ.
Khi Quách Tử Nghi tới kịp, ông ra sức kêu gọi và tụ tập các quân
tướng đào ngũ để lập lại trật tự. Đã nghe danh tiếng Quách Tử Nghi từ
lâu, nay nghe ông kêu gọi lập tức các đào binh đều trở về. Nắm được
số quân ấy, Quách Tử Nghi quyết định sử dụng một kế sách thần diệu,
gọi là “Thanh đông kích tây”. Ông sai tướng Trưởng tôn Toàn Tự dẫn
quân đến Lam Điền khiêu khích, mở cờ đánh trống dữ dội, thật sự
quân chủ lực của Quách Tử Nghi đi vòng ra phía tây bất ngờ đánh
thẳng vào thành. Quân Thổ Phiên trở tay không kịp, đại bại thi nhau
chạy trốn và Lam Điền được giải tỏa mở đường cho toàn quân nhà
Đường tái chiếm lại Trường An. Tuy nhiên Đại tông không về kinh
thành mà nghe lời xúi bẩy của Trình Nguyên Chấn, đóng đô luôn ở
Lạc Dương.
Quách Tử Nghi sáng suốt biết ngay đó là mưu kế của Trình
Nguyên Chấn muốn loại bỏ mình nên lập tức dâng tấu thư thẳng thắn
vạch ra sai lầm nếu như đóng đô ở Trường An. Dù đang sủng ái Trình
Nguyên Chấn nhưng Đại tông vẫn nhận ra những lý lẽ của ông hoàn
toàn đúng đắn, vào năm 764 quyết định dời triều đình về Trường An.
Thế nhưng sự bình yên vẫn chưa đến, lúc đó một viên Tiết Độ sứ
vùng Lũng Hữu là Phốc Cố Hoài Ân nhân cơ hội triều đình nhà
Đường đang rối loạn thì nổi lên tham vọng muốn làm vua một cõi.