trời đã tối thì nên cho quân nghỉ ngơi nhưng Thiết Mộc Chân vẫn
trung thành với lối đánh của mình, tức là đã đánh thì phải đánh đến khi
tận tuyệt mới thôi. Thế nhưng cũng chính vì đêm tối mà Thiết Mộc
Chân không thể thấy rõ đường lối, bị trúng tên suýt mất mạng.
Mũi tên này là do một “thần tiễn” dưới trướng Trác Mộc Hợp bắn
ra, dũng sĩ đó tên là Hạt A Tịch. Sau khi trời sáng chính Hạt A Tịch
đến đầu hàng quân của Thiết Mộc Chân. Ông rất khen ngợi tài bắn
cung của Hạt A Tịch, lấy lời phủ dụ và đổi tên thành Triết Biệt, tiếng
Mông Cổ có nghĩa là “Thần tiễn”. Sau này Triết Biệt lại là một viên
tướng đắc lực nhất của Thiết Mộc Chân, đã từng chinh chiến cả Trung
Hoa, Trung Âu và Trung Á, nhưng lại chết trước khi dẫn quân tiến
đánh một vương quốc nhỏ tên là Hoa Thích Tử Mô. Cái chết của Triết
Biệt là đòn mạnh đánh vào sự kiêu hãnh của Thành Cát Tư Hãn.
Trước đó một danh tướng kiêm mưu sĩ của Thành Cát Tư Hãn là Mộc
Lê Hoa cũng tử trận khi tiến đánh quân kháng chiến của con trai Mô
Hãn Mặc Đức ở Y Lạp Khắc. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng về
sau Mộc Lê Hoa không đồng chính kiến với Thành Cát Tư Hãn và bị
ông ta giết chết.
Bất cứ vì nguyên nhân nào, cái chết của Mộc Lê Hoa, Triết Biệt
và người con trưởng của Thành Cát Tư Hãn là Thuật Xích cũng đã
khiến cho vị tướng bách chiến bách thắng này suy sụp tinh thần, cộng
với sức lực suy yếu sau nhiều năm sương gió nơi chiến trường đã kết
thúc cuộc đời vị Hoàng đế mà toàn thế giới ai nghe đến tên cũng phải
kinh sợ.
Vào năm 1203, một lần nữa người anh em kết nghĩa Trác Mộc
Hợp lại xúi giục Thoát Lý cùng mình hợp quân tấn công Thiết Mộc
Chân. Tuy lần này ông phải rất vất vả đối phó nhưng sau cùng với tài
cầm quân quyền biến và có nhiều danh tướng tài dưới tay, vẫn đánh
bại được liên quân của họ, giết chết Thoát Lý rồi thừa thắng tiêu diệt
luôn vương quốc Khắc Liệt. Còn Trác Mộc Hợp thì chạy đến bộ tộc
Nãi Man nương nhờ.