huy lại kéo sang quấy phá vùng biên cương phía bắc. Bọn chúng rút
kinh nghiệm chia quân trải rộng ra khiến việc tiêu diệt phải rất vất vả.
Từ Đạt thấy vậy cũng chia quân ra làm nhiều cánh nhưng chính vì vậy
mà bị Vương Bảo Bảo kết hợp cùng với một tướng Nguyên khác là
Gia Tông Triết tập hợp đại quân đánh bại. Vì Từ Đạt ít quân hơn nên
tuy thua trận mà không bị Chu Nguyên Chương trách phạt.
Trận thua này một phần là do Chu Nguyên Chương và Từ Đạt
quá khinh địch, mặc dù nhiều lần mưu sĩ Lưu Bá Ôn, thường gọi là
Lưu Cơ đã khuyến cáo đừng xem thường hắn. Lưu Bá Ôn có thể nói là
một “kỳ nhân” tài năng sánh ngang với Gia Cát Lượng thời Tam quốc,
rất thông thạo Âm Dương Bát quái, kiêm cả Phong thủy chiêm bốc,
đoán việc như thần. Thậm chí người ta còn thêu dệt Lưu Bá Ôn còn có
thể “hô phong hoán vũ” như thần tiên, ông được Chu Nguyên Chương
đích thân đến cầu hiền và sau đó kính trọng như bậc thầy. Chính Lưu
Bá Ôn đã giúp kế sách cho Họ Chu đại thắng Trần Hữu Lượng, một
đối thủ khó chịu nhất lúc còn ở Ứng Thiên phủ. Thế nhưng đến khi
Chu Nguyên Chương đã lên ngôi Hoàng đế thì không còn chú ý đến
hiền tài này nữa. Do vậy mới xảy ra việc xem thường Vương Bảo Bảo,
dẫn đến thất bại.
Đúng với lời khen tặng của Lưu Bá Ôn, Vương Bảo Bảo hết sức
trung thành với triều Nguyên, không chỉ một lần đó thôi mà sau này
không ít lần chiêu mộ thêm quân tướng, kéo đi quấy phá các châu
huyện biên giới. Mãi đến khi Vương Bảo Bảo chết vào năm 1375, mối
đe dọa ấy mới thực sự hoàn toàn chấm dứt và triều Minh được yên
tĩnh để lo về nội trị.
Đó là việc sau này, lúc Từ Đạt chưa tiêu diệt xong tàn quân nhà
Nguyên ở Cư Dung quan thì Chu Nguyên Chương đã chính thức kiến
lập nhà Minh vào năm 1369. Chu Nguyên Chương đích thân cùng với
quần thần luận bàn công trạng của từng người, xong xuôi liền cho lập
“Công thần miếu”, ghi rõ công lao xếp theo thứ tự ít hay nhiều và Từ
Đạt được nêu đầu bảng với danh xưng “Đệ nhất khai quốc công thần”.