không thể đi đến thống nhất. Những lúc như thế, các cuộc tranh luận dữ dội
luôn được đẩy đến cao trào. Cứ tiếp tục như vậy, sự tan rã của công xã chỉ
còn là vấn đề thời gian.”
“Thời gian dần trôi, chỗ trống cho quan điểm trung lập mỗi lúc một hẹp
lại. Cuối cùng, Fukada cũng bị dồn đến bước không thể không chọn lựa
một trong hai. Lúc ấy, ông ta cũng nhận ra rằng ở Nhật Bản hồi thập niên
bảy mươi của thế kỷ hai mươi ấy vốn không tồn tại điều kiện và cơ hội để
phát động cách mạng. Và thứ ông ta tưởng tượng ra trong đầu chỉ là một
cuộc cách mạng mang tính khả năng, nói rõ hơn là một cuộc cách mạng ví
von, một cuộc cách mạng trong giả thuyết. Ông ta tin rằng, đối với một xã
hội lành mạnh, những ý chí phản thể chế mang tính phá hoại này là thứ
không thể thiếu, giống như là gia vị để hoàn thiện món ăn. Song điều các
sinh viên đi theo ông ta mong muốn lại là một cuộc cách mạng có đổ máu
thực sự. Dĩ nhiên Fukada cũng phải chịu trách nhiệm. Chính ông ta là
người đã nương theo thời thế, phát biểu những luận điệu kích động, gieo
vào đầu sinh viên câu chuyện thần thoại vô vọng đó. Nhưng ông ta chưa
từng nói với họ rằng đó chẳng qua chỉ là cuộc cách mạng ở trong dấu ngoặc
kép. Fukada là con người thành thực, tư duy nhạy bén. Là một học giả ưu
tú. Nhưng đáng tiếc vì quá giỏi hùng biện, nên ông ta thường có khuynh
hướng đắm chìm trong chính ngôn từ của mình, do đó có thể thấy ông ta
vẫn còn thiếu sự tự thức tỉnh và kinh nghiệm thực tiễn.
“Cứ như vậy, công xã Sakigake bị chia làm hai. Phe ôn hòa vẫn giữ
nguyên tên gọi Sakigake và tiếp tục ở lại ngôi làng ban đầu, còn phe đấu
tranh vũ trang thì rời đến một ngôi làng bỏ hoang cách đấy năm cây số, coi
đó là căn cứ địa để hoạt động cách mạng. Gia đình Fukada và những người
có gia đình khác đều ở lại Sakigake. Về cơ bản, đây có thể coi là một cuộc
chia ly hữu hảo. Số vốn cần để xây dựng công xã mới ly khai vẫn do
Fukada xoay xở. Sau khi chia tách, hai nông trường vẫn duy trì quan hệ
hợp tác trên bề mặt và có những trao đổi vật tư khi cần thiết, vì lý do kinh
tế, sản phẩm vẫn được phân phối qua một kênh lưu thông chung. Hai cộng