Tengo thường tự hỏi, ký ức hồi một tuổi rưỡi, hoặc nhiều lắm là hai tuổi,
phải chăng thực sự là cảnh tượng chính mắt anh nhìn thấy? Cảnh tượng mẹ
anh mặc đồ lót, để người đàn ông không phải chồng bà bú mút đầu vú.
Cánh tay quấn lấy thân thể người đàn ông đó. Đứa bé một hai tuổi có thể
phân biệt rõ ràng như vậy sao? Có thể nhớ như in từng chi tiết nhỏ nhặt
nhất như thế? Đây liệu có khi nào là một thứ ký ức giả mà sau này anh đã
tự tạo ra để bảo vệ bản thân hay không?
Có lẽ cũng có khả năng ấy. Để chứng minh mình không phải là con, xét
về mặt sinh học, của người vẫn gọi là cha, vào một thời điểm nào đó, bộ óc
Tengo đã tạo ra ký ức về người đàn ông khác (người có khả năng là cha
thật của anh) trong vô thức. Đồng thời tìm cách loại trừ “người vẫn gọi là
cha” ra khỏi mối quan hệ huyết thống chặt chẽ. Bằng cách dựng lên trong
mình hình ảnh người mẹ vẫn đang còn sống ở đâu đó, và sự tồn tại mang
tính giả thiết về người cha thực sự, anh muốn lắp cho cuộc đời hạn hẹp và
khó thở này một cánh cửa mới.
Nhưng đoạn ký ức này lại đi đôi với cảm giác hiện thực hết sức rõ rệt.
Có cảm giác xác thực, có trọng lượng, có mùi vị, có độ sâu. Nó giống như
con hà bám vào thân tàu hoang phế, dính cứng vào vách tường ý thức của
anh. Cho dù anh gắng sức lay động và cọ rửa thế nào cũng không thể bóc
chúng đi được. Tengo không thể cho tầng ký ức ấy chỉ là thứ giả tạo do ý
thức bịa đặt ra vì cần thiết. Nếu coi là hư cấu thì nó quả thực hơi quá chân
thực, quá kiên cố.
Cứ thử cho nó là thực, vậy thì sao? Tengo nghĩ.
Chắc chắn Tengo đã rất khiếp sợ khi nhìn thấy cảnh tượng này thuở còn
là một đứa bé ẵm ngửa. Đó là đầu vú lẽ ra phải thuộc về anh, nhưng lại bị
người khác mút chặt. Một kẻ nào đó to lớn và mạnh mẽ hơn anh rất nhiều.
Và, dù chỉ là trong khoảnh khắc, sự tồn tại của mình dường như cũng biến
mất khỏi tâm trí mẹ. Điều đó đã đe dọa một kẻ yếu ớt như anh từ gốc rễ.
Hoặc có lẽ, nỗi sợ mang tính căn nguyên ấy đã in đậm lên mặt tờ giấy ý
thức của anh.