thường được thực hiện bên ngoài bản quốc - ngày càng được thực hiện
nhiều ở các nước đang phát triển, như Trung Quốc và Ấn Độ. Thậm chí nhà
quản lý hàng đầu của họ cũng được chọn ra, như Ghosn, từ nguồn lao động
tài năng quốc tế, chứ không phải từ lực lượng lao động của quốc gia.
Tóm lại, công ty không còn lòng trung thành quốc gia nữa. Một doanh
nghiệp sẽ làm những gì nó phải làm để tăng lợi nhuận, cho dù điều đó có
nghĩa là làm tổn hại đến đất nước của mình bằng cách đóng cửa các nhà
máy, cắt giảm việc làm, hoặc thậm chí thuê lao động nước ngoài. Mặc dù
vậy, nhiều người cho rằng sẽ là không sáng suôt khi đặt ra các hạn định đối
với quyền sở hữu nước ngoài của các công ty như nhiều chính phủ đã từng
làm. Miễn là công ty tạo ra sự giàu có và công việc trong biên giới của
mình, các quốc gia không nên quan tâm xem công ty thuộc sở hữu của công
dân nước mình hay của người nước ngoài. Khi tất cả các công ty lớn đã sẵn
sàng để chuyển đến bất cứ nơi nào nhằm tìm kiếm cơ hội lợi nhuận, thì việc
gây khó khăn cho việc đầu tư của các công ty nước ngoài có nghĩa là đất
nước bạn sẽ không được hưởng những lợi ích từ những công ty nước ngoài
được xác định là những triển vọng đầu tư tốt tại nước bạn. Tất cả những
điều này là có ý nghĩa, phải không?
Chrysler - từng là công ty Mỹ, Ðức, Mỹ (một lần
nữa) và (đang trở thành) công ty Ý
Năm 1998, Daimler-Benz, công ty sản xuất ô tô của Đức, và Chrysler, công
ty sản xuất ô tô của Mỹ, đã được sáp nhập. Đó thực ra là sự tiếp quản
Chrysler của Daimler-Benz. Nhưng khi sự sáp nhập được công bố, nó được
mô tả như một cuộc hôn nhân của hai người môn đăng hộ đối. Công ty mới,
Daimler - Chrysler, thậm chí có số lượng người Đức và người Mỹ bằng
nhau trong Ban điều hành. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra vào một vài năm
đầu. Ngay sau đó, số người Đức trong Ban điều hành đông hơn người Mỹ
rất nhiều - thường là 10 - 12 người Đức chỉ có một hoặc hai người Mỹ, tùy
thuộc vào từng năm.