Một ví dụ tiêu biểu của Simon về việc tại sao chúng ta cần một số quy tắc
để đối phó với tính duy lý bị hạn chế của mình là môn cờ vua. Chỉ với 32
quân cờ và 64 hình vuông, cờ vua dường như là một trò chơi tương đối đơn
giản, nhưng trên thực tế nó lại liên quan đến rất nhiều tính toán. Nếu bạn là
một trong những con người “siêu lý trí” (như cách Simon gọi họ) trong sách
giáo khoa kinh tế tiêu chuẩn, tất nhiên, bạn sẽ đưa ra tất cả các nước cờ có
thể và tính toán khả năng có thể xảy ra của chúng trước khi bạn đi một nước
cờ. Tuy nhiên, Simon chỉ ra rằng trung bình có khoảng 10
120
(vâng, 120 số
0) khả năng trong một ván cờ vua, cách tiếp cận “có lý trí” này đòi hỏi khả
năng trí tuệ mà không có một người nào có được. Thật vậy, khi tìm hiểu các
bậc thầy cờ vua, Simon nhận ra rằng họ sử dụng quy tắc ngón tay cái
(Heuristics) để tập trung vào một số ít các nước cờ khả thi nhằm giảm bớt
số lượng các nước cờ cần phải được phân tích, cho dù các nước cờ bị loại
trừ có thể mang lại kết quả tốt hơn.
Nếu môn cờ vua còn phức tạp như vậy thì bạn có thể tưởng tượng mọi thứ
trong nền kinh tế của chúng ta, liên quan đến hàng tỷ người và hàng triệu
sản phẩm, phức tạp như thế nào. Vì vậy, cũng tương tự như cách mà các cá
nhân tạo ra thói quen trong cuộc sống hàng ngày của mình hoặc môn cờ
vua, các công ty hoạt động với các “thói quen” hữu ích, cái mà giúp họ đơn
giản hóa lựa chọn và con đường tìm kiếm của mình. Họ xây dựng các cấu
trúc quyết định nhất định, các quy tắc chính thống và các quy ước để có thể
tự động hạn chế hàng loạt các khả năng mà họ phải khám phá, ngay cả khi
những khả năng bị loại bỏ thẳng thừng này có thể có đem lại lợi nhuận cao
hơn. Nhưng họ vẫn làm điều đó bởi vì nếu không họ có thể bị nhấn chìm
trong một biển thông tin và không bao giờ đưa ra được quyết định. Tương
tự như vậy, xã hội tạo ra các quy tắc chính thống, những quy tắc hạn chế
quyền tự do lựa chọn của mọi người để họ không phải liên tục đưa ra các
lựa chọn mới. Vì vậy, họ phát triển một quy ước, ví dụ như quy ước về xếp
hàng để mọi người không phải liên tục tính đi tính lại vị trí của mình trong
một điểm dừng xe buýt đông đúc để đảm bảo rằng họ lên được chuyến xe
buýt tiếp theo.