Bà đáp lại:
- Chú em cứ lên cầu Chữ Y, chạng vạng là có mặt ổng ở trển tới
khuya. Ổng dòm trời, dòm đất. Mấy ngày đầu, tôi sợ ổng buồn rầu mà tự
tử...
Ðường lên cầu Chữ Y chiều hôm đó cũng rộn rịp ngựa xe như năm
nào, đèn điện sáng rực lên, từng đoàn người đứng cười cười nói nói dựa
theo lan can. Tôi đi suốt đầu này qua đầu kia, tìm ông Tư. Ông đứng đó,
kìa. Mái tóc bạc phếu, khác hẳng ngày nào. Mắt ổng nheo nheo nhìn về
phía chợ Sài Gòn, môi ổng mấp máy.
Nói với ai? Nói chuyện gì hở ông lão? Tôi muốn hỏi lớn như vậy. Phải
chăng là đoạn thơ Tà Lơn"Nhớ huynh đệ lụy tuôn nước mắt, cảm phận em
ruột thắt từng hồi, vận bất tề nên phải nổi trôi?"hay là đoạn"Cõi tây nam gà
rừng gáy ó o, hướng đông bắc, con công kêu tố hộ?"
Nhưng mà thôi. Tôi đành đứng lại, không dám khuấy sự yên lặng của
ông. Nhìn chung quanh rõ ràng cầu Chữ Y này cao quá, cao bằng cái nhà
lầu hai tần. Gió trên cầu giống như gió núi Tà Lơn, đem lại cho người đời
đôi phút tiêu diêu thoát tục? Tại sao lòng ông Tư lại chứa chất nhiều bí ẩn
như thế? Bài thơ núi Tà Lơn do một nông dân vùng Cà Mau soạn ra tại sao
lại đủ khả năng quyến rũ, trở thành một món nợ đối với ông lão ở kinh
thành ánh sáng này như ông là một?
Có lẽ nhờ mang nặng khối nợ đó nên ông không nhào đầu xuống sông
khi ý nghĩ tự tử len lỏi vào tim óc. Ðêm đó, mãi đến mười giờ khuya mà
ông còn đứng tren cầu cúi xuống dòng sông đen thui, lốm đốm những bọt
nước trắng.