Và Mịn đã ngoan ngoãn nghe lời của anh. Ðiếu thuốc rê hôm đó ngon
làm sao!
Cô Mịn đã xuống về từ lâu mà anh còn ngồi đó, tiếc cái tàn thuốc đã
cháy tới da tay, tâm trí mơ màng nhớ đến đôi mắt của Mịn, đôi mắt đen như
nước rừng, có đôi vì sao chiếu xuống ngời lên lấp lánh...
Ông Tư Châu Xương bắt đầu kể chuyện. Anh Tư Bình Thủy lập tức
ngồi dậy. Nghe có tiếng cưa củi, anh đoán chắc hôm nay thế nào cũng có cô
Mịn đến giúp cha.
Ông nói:
- Hai Cờ Ðỏ nói dứt cái sấm truyền của vua Gia Long. Bây giờ tôi xin
nói tiếp về lúc Tây qua đánh thành Long Hồ tức Vĩnh Long bây giờ. Tôi cắt
nghĩa tại sao lính Tây có mang mỏ neo ở bâu nói, tại sao trên đồng bạc
trắng của Tây có chạm hình người đàn bà...
"Năm đó, Tây kéo tàu binh tới bến Long Hồ. Tụi nó bắn súng lên. Bên
này, binh của An Nam mình lập tức nã đại bác thần công xuống. Hai bên
kịch chiến khá lâu. Lính Tây chết nhiều quá. Quan đề đốc của Tây ra lịnh
kéo neo rút lui về Mỹ Tho.
Thừa cơ, bên mình bắn súng như mưa bấc. Lính thủy Tây ráng sức
kéo neo nhưng không xuể. Vì vậy, tàu chạy thối lui không được. Dè đâu,
lúc đó trên tàu Tây một con đầm xuất hiện ra, tay cầm cờ phất tới. Ðó là vợ
của quan đề đốc đứng ra thay chồng để xua binh đổ bộ lần thứ hai. Nhờ
vậy, Tây thắng, chiếm thành Long Hồ. Sau đó, tụi nó nhớ ơn cái mỏ neo
với con đầm nên mới ra lịnh ghi lại kỷ niệm... Bởi vậy, đàn ông nhiều khi
cần có đàn bà giúp mới làm được việc lớn. Và ở đời, nhiều khi cái chuyện
rủi ro như cái mỏ neo nọ lại biến thành dịp may..."
Ông Tư Châu Xương dứt lời, ai nấy cười vang. Có người chêm vô một
câu:
- Bây giờ tới phía Tư Bình Thủy. Tư Bình Thủy đâu rồi? Nó mê ông
lắm đó ông Tư.
Anh Tư ngồi trong này nín khe, lắng nghe ngoài rừng thiên hạ gọi anh
ngày một gấp!