Cu rừng và cu mồi đều cú rũ, bất phân thắng bại vinh nhục, lông cánh
lù xù vì dầm mưa quá lâu. Nhưng ông Hai Kiểm ở đâu? Tư Hưng toan kêu
lên nhưng sợ làm lộ bí mật nhà nghề. Anh ta bèn đưa hai tay lên miệng,
bụm lại, nhái tiếng cu kêu:
- Cúc cù cu... cu! Cu! Cu!
Bỗng nhiên, bụi nhãn lồng nhúc nhích. Có tiếng rên hừ hừ. Tư Hưng
ngỡ là ma nhát, sửa soạn co chân tẩu thoát. Nhưng giọng run rẩy của ông
Hai Kiểm vang ra từng đợt:
- Cứu... tao... tao gần chết... á khẩu...
Tư Hưng cõng ông Hai Kiểm vào nhà, đốt lửa hơ, cạo gió, mua thuốc
cảm mạo, nấu cháo thương hàn... vài phút sau, ông Kiểm mới tỉnh táo, nói
thân mật:
- Tao chờ đợi... mắc mưa suốt buổi. Con cu mồi bay quá. Rốt cuộc con
cu rừng chịu đá lộn, mặc dù bị gài bẫy nhưng cũng đá. Vui quá... Ừa! Ngu
quá. Con cu rừng đó, tao cho vợ chồng bây nướng ăn. Hồi xưa, nhiều người
đi gác cu như tao, ngồi rình mò dè đâu phía sau lưng có con cọp đang chờ
ăn thịt họ. Gác cu không đem lợi lộc gì ráo mà mình ham. Cái thói phong
lưu đó nguy hiểm lắm. Nếu mày không ra ngoài cứu kịp thì tao á khẩu, chết
luôn ngoài bụi tre rồi. Ðó là cái ngu thứ ba: "Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm
chầu mà!"
Tư Hưng mỉm cười, nhờ đến cái ngu thứ nhứt, thứ nhì:
- Dạ, hai vợ chồng cháu cỡ này đề huề lắm. Ba con heo nái đang có
chửa, món nợ mà bác bảo lãnh hồi cháu sửa soạn cưới vợ...
- Tao hiểu rồi. Ráng mà làm ăn. Thôi tao về kẻo bác gái mầy trông
đợi.
- Dạ, trời còn mưa lai rai. Ðể cháu nhắn tin cho bác gái hay... Còn cái
ngu thứ tư nó ra làm sao bác?
- Cầm chầu hát bội. Rằm tháng giêng, cháu sẽ thấy. Hễ mình ít"chầu"
bọn đào kép cho rằng mình là thằng già cầm chầu khó khăn, phách lối,
khinh khi kẻ xướng ca vô loại. Nhưng nếu mình đánh chầu đúng điệu thì có
kẻ giềm siểm, cho rằng mình là thằng già dê, cứ định chấm khen ngợi mấy
cô đào trẻ mà quên mấy cô đào già.