8
Đồng Thanh Tương Ứng
X
óm Tà Lốc nằm trơ vơ gần khu rừng tràm, trên khoảng đất hoang
dài gần năm chục cây số ngàn, giữa chợ Rạch Giá và Hà Tiên, theo vịnh
Xiêm La .
Thời Pháp thuộc, dân chúng xóm ấy sống biệt lập: bắt cá, đốn củi đủ
ăn ngày nào hay ngày ấy . Nếu cần mua sắm vài vật dụng cần thiết, họ ngồi
tại nhà mà chờ đợi một chú Huê kiều . Chú ta quảy gánh gióng, bán nào
kim chỉ, lưỡi búa, đường thẻ, thuốc rê . Đặc biệt nhứt là loại kéo tàu, rèn tại
chợ Rạch Giá . Ai không tin thì cứ mua thử một cây kéo đó, để dành trong
rổ may . Kéo sống dai hơn kiếp người, và từ thưở cô gái mới về nhà chồng,
cho tới khi có con có cháu, chết vô hòm mà kéo vẫn chưa lụt - nếu cây kéo
đó không bị đánh mất .
Cách vài ngày, chú Huê kiều đi qua xóm một lần . Tuy chú ta bán hàng
với giá đập đổ, dân trong xóm Tà Lốc chẳng ai than phiền . Thưở ấy, đường
giao thông dường như không có . Chú ta đi bộ suốt hai mươi cây số, qua
vùng đất phèn đầy muỗi mòng rắn rít và đầy kẻ lương thiện - những kẻ
lương thiện nhưng nổi máu bất lương từng chập . Lắm khi, chú Huê kiều bị
gãy gánh giữa đường thương mãi: hàng hóa và tài sản bị tịch thâu, thân xác
chú ta còn chịu thêm trận đòn nhừ tử, kêu trời thì không thấu, kêu làng lính
ở tận đâu đâu . Thà là nhịn nhục để ngày mai tiếp tục hành nghề . Dân
trong xóm lần hồi thương mến chú Huê kiều . Khi đi qua xóm, chú ta rao
hàng nghe lơ lớ, não ruột:
- Kéo tàu! Ké ....éo tàu !
Trẻ con bu lại, cười giỡn . Chú Huê sẵn sàng cho mỗi đứa một cục kẹo
nhỏ rồi rảo bước, để lại giọng rao: