Bản ấn hành chính thức « Động viên kỹ nghệ phục vụ chiến tranh » của
Mỹ gây xúc động lớn lao tại Hoa-thịnh-Đốn. Tất nhiên là chúng tôi vượt qua
mọi thủ tục ngoại giao, nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh về quan điểm của
chúng tôi trong các hội đàm ở tòa Bạch ốc, dinh phó Tổng thống cùng các
nơi khác.
Chính tôi phải chiến đấu với Tổng thống Roosevelt, không ngừng tấn
công ông bằng thư và biện minh, trình bày cùng ông qua các cuộc hội kiến
riêng là phải từ bỏ những kế hoạch để lao mình vào một phạm vi khổng lồ
qua sự ứng biến. Cuộc vận động của chúng tôi sôi nổi đến độ chẳng bao lâu
cả Hoa thịnh Đốn đều tham gia, bao gồm cả những tờ báo nữa, làm cho tình
thế chung khẩn trương đến cực điểm.
Những luận cứ của tôi đều căn cứ trên kinh nghiệm cá nhân. Tôi ước
lượng rằng chỉ một mình Hoa Kỳ có thể sản xuất trong năm 1942 : 42.000
xe tăng, 17.700 đại bác chống chiến xa, 45.000 đại bác phòng không, 24.000
phi cơ khu trục, cộng thêm dụng cụ chiến tranh khác nữa.
Các nhà soạn thảo chương trình Mỹ kêu lên rằng đó là một sự ước
lượng lố bịch.
Chắc hẳn là người ta đã nghe theo các dự án vu vơ của họ nếu đầu óc
thực tế của Tổng thống Roosevelt không nhận thấy giá trị của đề nghị chúng
tôi và xem như là của ông. Nếu những nhà soạn thảo chương trình ở phòng
giấy Mỹ thắng thế, thì Đồng Minh đã không thắng được cuộc chiến tranh
năm 1945.
Nhờ Tổng thống, các ước lượng của chúng tôi về những khả năng sản
xuất được chấp thuận. Một chương trình kiến thiết chiến tranh được hoạch
định, với hàng chục tỷ đô la yểm trợ, và để trình Quốc-Hội. Mục đích của
chương trình là đem lại cho chúng tôi một ưu thế đè bẹp đối phương về mặt
võ khí.
Sự ứng biến này đạt được kết quả vô cùng rực rỡ, vì chẳng những
chương trình thực hiện đầy đủ mà còn vượt quá sự ước mong.