thành thị và được sử dụng điện, còn những người sống ở nông thôn thì
không. Mãi đến những năm 1950, lưới điện mới đến được hầu hết các vùng
xa xôi hẻo lánh, nhờ Dự án Điện khí hóa Nông thôn.
Tất nhiên, vẫn còn những vùng đất rộng lớn trên thế giới không có điện -
chủ yếu ở châu Phi cận Sahara và trung Á. Trên thực tế, tính đến năm
2016, ước tính có khoảng 13% dân số thế giới không được sử dụng điện.
Số người trên toàn thế giới không có điện vẫn khá lớn, mặc dù số lượng
này giảm dần hàng năm; Năm 2017 là năm đầu tiên con số này giảm xuống
dưới 1 tỷ, và 100 triệu người trên khắp thế giới được sử dụng điện mỗi
năm.
Điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn chưa đạt được độ bão hòa EMF cao
nhất trên Trái đất. Khi ngày càng nhiều khu vực trên thế giới được điện khí
hóa, và khi nhiều công nghệ phát triển và lan rộng tạo ra EMF trong quá
trình sử dụng, thì mức độ tiếp xúc của chúng ta sẽ chỉ tiếp tục tăng lên.
GIỚI THIỆU TIA X DỰ BÁO TRƯỚC VỀ HIỂM HỌA EMF
Tia X là một trong những ví dụ điển hình nhất về sự tin tưởng mù quáng
của xã hội vào khả năng cải thiện cuộc sống của công nghệ, trước khi hiểu
hoặc thậm chí kiểm tra các tác động vật lý của công nghệ. Vào đầu thế kỷ
20, người Mỹ đón nhận tia X cũng giống như con cháu của họ sau này chào
đón công nghệ không dây — gần như hoàn toàn thiếu đi sự quan tâm về sức
khỏe.
Tia X lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1895 bởi Wilhelm Conrad
Röntgen, một giáo sư vật lý tại Đại học Würzburg ở Đức. Röntgen đang thử
nghiệm với một ống tia âm cực thì ông nhận thấy rằng một tấm gỗ phủ phốt
pho đặt trên một chiếc bàn gần đó phát sáng bất cứ khi nào ống tia âm cực
hoạt động.
Truyền thuyết kể rằng sau đó ông đã che ống tia âm cực bằng giấy đen
dày, nhưng tấm ván phủ phốt pho vẫn phát ra một chất phát quang huyền
ảo. Khi đó Röntgen biết rằng ông đã phát hiện ra một loại tia vô hình nào
đó đi theo một con đường bất ngờ. Bởi vì ông ấy không hiểu được tia đến từ
đâu, hoặc cách nó hoạt động, Röntgen đặt tên cho tia chưa biết này là “tia
X”, với chữ X đại diện cho nguồn gốc không xác định.
Tia X nhanh chóng thu hút sự chú ý và trí tưởng tượng của các chuyên
gia y tế và khoa học lúc bấy giờ. Thomas Edison là một trong những người
thử nghiệm sớm và nhiệt tình với công nghệ tia X. Năm 1896, ông thậm chí
còn mời các phóng viên đến phòng thí nghiệm của mình để chứng kiến một
loạt các thí nghiệm với tia X.