đối phó với các biến cố xảy đến, và phải thực hiện những điều
vừa quan trọng vừa cấp thiết. Nhưng khi họ chủ động lựa chọn
dành nhiều thời gian hơn cho những việc quan trọng thay vì
cấp thiết, điều này sẽ giảm bớt đi nhiều biến cố và xung đột.
Hãy nghĩ về vài điều quan trọng đã được gợi ý trong cuốn
sách này: xây dựng một tài khoản trong ngân hàng tình cảm;
tạo ra các bản tuyên ngôn cá nhân, hôn nhân, gia đình; thực
hiện khoảng thời gian gia đình hàng tuần; khoảng thời gian trò
chuyện với mỗi thành viên; tạo lập truyền thống gia đình; làm
việc, học tập và cầu nguyện cùng nhau. Những điều này hoàn
toàn không cấp thiết. Vì chúng không tạo áp lực cho chúng ta,
như những vấn đề cấp thiết: phải vội vàng đến bệnh viện để
chăm sóc đứa con sử dụng thuốc quá liều, xử lý ra sao khi vợ
hay chồng đòi ly hôn, hoặc xử lý đứa con đang đòi bỏ học.
Điều mấu chốt là nếu chú tâm vào những điều quan trọng,
chúng ta sẽ giảm được số lượng và mức độ thường xuyên của
những điều cấp thiết trong cuộc sống gia đình. Rất nhiều vấn
đề có thể được bàn bạc và giải quyết ổn thỏa trước khi chúng
trở thành rắc rối. Chúng ta có những mối quan hệ, có các
phương thức tổ chức, chúng ta có thể chỉ bảo nhau. Trọng tâm
là phòng cháy chứ không phải chữa cháy. Benjamin Franklin
đã tổng kết: “Ngừa một mối họa hôm nay, tránh được trăm mối
họa tương lai”.
Trong thực tế, hầu hết mọi gia đình lâm vào tình trạng
quản lý quá chặt chẽ mà thiếu sự dẫn dắt. Gia đình được dẫn
dắt càng tốt thì càng ít sự quản lý, vì mọi người có thể tự quản
lý bản thân mình; và ngược lại. Khi thiếu một tầm nhìn chung,
một hệ thống giá trị chung, chúng ta dễ rơi vào sự quản lý tất
tần tật để giữ mọi người trong khuôn khổ. Quản lý đi từ bên
ngoài, kéo theo sự khuấy động những nổi loạn bên trong, làm
phá vỡ tinh thần mọi người. Như câu ngạn ngữ: “Ở đâu thiếu
tầm nhìn, ở đó có diệt vong”.
4 8 6 • 7 THÓI QUEN TẠO GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC