tuyến đầu, nơi vị trí quân địch mạnh nhất. Trước hết họ phải tiến hành
những cuộc đột nhập hoặc tấn công trinh sát, bắt tù binh, và sau đó là dẫn
đầu cuộc xung phong khi trận đánh bắt đầu. Nhưng cũng phải nói rằng, thật
kỳ cục là sau các trận đánh những người sống sót trong đại đội trừng giới
luôn được nghỉ từ ba đến năm ngày trong khi các đơn vị bộ binh thông
thường vẫn phải tiếp tục chiến dịch bất chấp tổn thất. Trước Chiến dịch
Bagration, họ tập trung đại đội trừng giới của tôi với các đại đội trừng giới
khác để lập thành một tiểu đoàn xung kích trừng giới đặc biệt: Hai đại đội
trang bị toàn tiểu liên với gần 100 người mỗi đại đội, một trung đội súng
máy độc lập, và một trung đội trợ chiến nữa cũng trang bị toàn tiểu liên. Tất
cả có 273 người trong tiểu đoàn xung kích trừng giới đó. Tôi được phân vào
trung đội súng máy. Tiểu đoàn trưởng Vinogradov (một người tốt!) đến
công sự của chúng tôi vào một buổi tối và nói: “Các đồng chí, hãy giúp
chúng tôi nào: chúng tôi cần thành lập một trung đội trung và đại liên.” Có
13 người chúng tôi trong công sự – tất cả đều là tài xế – và tất cả đều tình
nguyện tham gia. Trong khoảng hai tuần chúng tôi học cách sử dụng súng
máy và trở nên thành thạo công việc đó, học cách tháo lắp súng và điều
chỉnh đường bắn. Khi họ lập thành 4 tổ súng máy tôi trở thành chỉ huy một
trong số đó. Tổ của tôi gồm 8 người và vũ khí chính là một khẩu đại liên
Maxim kiểu 1910. Khẩu súng này làm mát bằng nước, băng đạn 250 viên
7.62mm, tốc độ bắn 520-580 phát/phút và là đại liên cơ bản của Hồng quân
trong suốt cuộc chiến. Họ phát cho chúng tôi trang bị chiến đấu và đồ hậu
cần. Trong đội người Số một mang nòng súng; Số hai mang giá súng; Số ba
mang bệ đỡ, lá chắn và băng đạn; các thành viên còn lại trong đội mỗi
người mang thêm hai dây đạn.