chuyển việc đó cho một trong số những người lính nghĩa vụ năm thứ
nhất. Đến bữa ăn, các salagy thường bị đói vì khẩu phần ăn lớn
nhất và ngon nhất lúc nào cũng được để dành cho các dedy. Nhưng
nhiệm vụ khó chịu, nhục nhã và xúc phạm nhất là việc cọ rửa nhà xí.
Các nhà xí đó chỉ là những cái hố lộ thiên, quây quanh là đất nung
với hai kệ để chân xếp hình chữ V. “Chúng tôi không có găng tay cao
su, chỉ dùng tay không, một miếng giẻ và một ít bột chlorine”,
Dmitri Sakovich kể lại, “Chúng tôi dùng một con dao để cạo bỏ những
vệt phân bị cáu két lại”.
Những khó khăn thiếu thốn của Quân đội càng trở nên trầm
trọng hơn do tình trạng ngược đãi có hệ thống. Người ta bày trò xây
dựng hình ảnh một “người lính can trường”. Bất kỳ ai biểu lộ sự yếu
đuối sẽ bị chế giễu không thương tiếc. Không chỉ bị nhục mạ
bằng lời nói, họ còn có thể bị đánh đập. Những đòn đánh đập này
thường được thực hiện khá chính xác nhằm tránh để lại các vết
thâm tím rõ rệt. Người ta sẽ không đánh vào mặt mà đánh vào những
nơi khó nhìn hơn, trong đó có vùng thận. Sakovich kể lại:
Người Moscow bị căm ghét nhất vì họ bị coi là nhu nhược và ủy
mị. Người từ vùng Caucasus không được ưa thích bởi họ thường đến
từ các ngôi làng trên núi và thiếu giáo dục. Các trí thức bị coi thường
bởi vì trong quân đội thì bạn phải là một “đại trượng phu”. Bạn phải
thề thốt rất nhiều (một việc rất khó đối với người Moscow),
phải khỏe về thể lực và phải quyết đoán. Bạn không được nói: “Anh
vui lòng làm giúp tôi việc này nhé” mà phải nói: “Làm đi!” Đó là luật
rừng. Kẻ mạnh sẽ chiến thắng.
Ngay cả việc bố trí ăn ở cũng ảnh hưởng đến tinh thần của binh
sĩ. Ở một số đơn vị, lính nghĩa vụ bị tống vào những phòng ngủ kê
hàng loạt những chiếc giường đôi chứa đến 150 lính. Trang thiết bị
vệ sinh chỉ gồm những thứ cơ bản: một vòi hoa sen gồm một ống
nước với những cái lỗ thỉnh thoảng lại chảy ra những dòng nước nhỏ.