ở
phương Tây. Vấn đề duy nhất là làm thế nào để đưa được dầu
ra khỏi biên giới quốc gia. Cần phải có một giấy phép xuất khẩu.
Các vấn đề trở nên phức tạp bởi các công chức dân sự với mức
lương nghèo nàn cũng nhanh chóng nhận thức được sức mạnh quyền
lực do những con dấu cao su của họ đem lại. Giấy phép xuất khẩu
cũng trở thành một loại hàng hóa được buôn bán như chính dầu lửa.
Nạn hối lộ vốn đã lan tràn trong bộ máy quan liêu của chính
quyền Xô Viết, nay tiếp tục tồn tại dai dẳng ở nước Nga non trẻ
sau khi chính quyền cũ đã sụp đổ. Không có chứng cứ cho thấy
Abramovich đã hối lộ ai đó khi đang là một doanh nhân dầu lửa,
tuy nhiên, sự thực là anh có quan hệ gần gũi với một số viên chức
cấp cao trong cơ quan hải quan Nga, trong đó có Mikhail Vanin,
người sau này trở thành Giám đốc Ủy ban Hải quan Nga.
Thứ mà Abramovich cần nhất lúc này là vốn đầu tư ban đầu
cho các hoạt động kinh doanh. Trong gần như suốt cuộc đời kinh
doanh của mình, Abramovich phải chịu những tin đồn không hay
rằng để có vốn kinh doanh, anh đã tìm cách ăn cắp một lô dầu
diesel đang được chuyên chở bằng tàu hỏa từ Ukhta, qua Moscow và
đến Kalinigrad năm 1992. Câu chuyện này được tờ Nep+S, một tờ
báo địa phương ở Ukhta kể lại chi tiết trong năm 1999. Tờ báo này
cũng nhắc đến những tình tiết liên quan như bức điện giả, chứng
mất trí nặng và sự can thiệp vào phút chót của một mạnh thường
quân giấu mặt. Tờ báo thậm chí còn đưa ra mã số của vụ việc –
79067 – và nói rằng Abramovich đã bị bắt giam trong một sở cảnh
sát vì những cáo buộc liên quan. Nhưng trong buổi gặp mặt tại
Stamford Bridge, một trong những cấp phó cao nhất của
Abramovich cho các tác giả biết: “Tôi có hỏi ông ấy về câu chuyện
tàu hỏa. Tôi thấy làm vậy thật tồi tệ nhưng tôi phải biết sự thật.
Ông ấy nhẹ nhàng nhìn tôi và nói: ‘Điều đó chưa bao giờ xảy ra.’”