Sibneft không chỉ giúp Abramovich và Berezovsky trở thành
những trùm tài phiệt trong chớp mắt mà còn giúp họ dư dả tiền bạc
vô cùng. Bằng việc thế chấp sản phẩm tương lai cho các ngân hàng
nước ngoài, gần như ngay lập tức họ có được những khoản vay khổng
lồ. Berezovsky lúc đó rất cần tiền mặt. Tháng 4 năm 1995, lợi
dụng lúc Yeltsin quẫn trí, ông ta tìm cách giành quyền kiểm soát
Kênh 1 (Channel One), đài truyền hình quốc gia số 1 ở Nga. Ông
ta cam đoan là sẽ biến công cụ truyền thông đầy quyền lực này từ
một lực lượng chỉ trích Chính phủ trở thành công cụ cổ động cho sự
nghiệp của Tổng thống. Trước tiên ông phải vượt qua sự chống đối
của Korzhakov, người kiên quyết phản đối việc trao vào tay tư nhân
một doanh nghiệp quan trọng như thế. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của
nhóm “Gia đình”, Berezovsky dễ dàng đạt được ý đồ khi Dyachenko
và Yumashev thuyết phục thành công Yeltsin. Lại một lần nữa, vai
trò thành viên nhóm “Gia đình” đã giúp Berezovsky giành được quá
nhiều đặc quyền: nắm 49% kênh truyền hình này với giá rẻ mạt
2,2 triệu đô-la mà không phải thông qua các cuộc đấu giá cần
thiết theo quy định của pháp luật. Để biện minh, Berezovsky khẳng
định rằng mặc dù đài truyền hình này thu được 40 triệu đô-la mỗi
năm từ quảng cáo nhưng chi phí lại đang tăng vượt ngoài tầm kiểm
soát, lên đến 250 triệu đô-la mỗi năm. Vấn đề ở đây là phần lớn
số tiền thu được từ quảng cáo đã bị thất thoát qua các khâu trung
gian.
Giải pháp của Berezovsky cho vấn đề này rất linh hoạt. Ông ta
chỉ đơn giản đề nghị tuyên bố ngưng bán quảng cáo trong 3 tháng
và sau đó bắt đầu mở lại tiến trình này. Việc này làm không ít
người tức giận nhưng không ai dự đoán được thảm kịch sẽ xảy ra sau
đó. Sau khi đặt một cái tên mới kiểu Orwellian cho kênh truyền hình
tư nhân này là Truyền hình Đại chúng Nga, hoặc ORT theo bảng chữ
cái tiếng Nga, Berezovsky bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới
là Vlidislav Listyev. Lúc đó Listyev mới 38 tuổi, có bộ râu kiểu ghi-