trò chơi ngôn từ đầy xúc xiểm này.
Khi tôi từ chối gọi hắn là “Chúa tể”, hắn đã thét lên và tức giận,
và có một lần đã đánh tôi về chuyện đó. Nhưng với sự từ chối này,
tôi không chỉ giữ được cho mình một chút tự tôn, mà còn tìm được
một công cụ để tận dụng. Cho dù tôi đã phải trả giá bằng sự đau đớn
khôn tả.
Tôi cũng đã trải qua tình cảnh tương tự khi hắn lần đầu tiên ra
lệnh cho tôi quỳ trước mặt hắn. Hắn ngồi trên trường kỷ, chờ tôi
dọn thức ăn cho hắn, và đột nhiên ra lệnh, “Quỳ xuống!” Tôi điềm
tĩnh đáp lời hắn, “Tôi không quỳ.” Hắn chồm dậy trong cơn tức
giận và ấn tôi xuống sàn. Tôi nghiêng người thật nhanh để ngã bệt
xuống sàn chứ không phải quỳ trên đầu gối. Hắn sẽ không được
thỏa mãn, dù chỉ một giây, về chuyện tôi quỳ trước mặt hắn. Hắn
túm lấy tôi, xoay người tôi và bẻ gập chân tôi như thể tôi là một con
búp bê bằng cao su. Hắn ấn bắp chân tôi vào phía sau đùi tôi,
nhấc bổng tôi lên khỏi sàn nhà như một kiện hàng được buộc và cố
ấn tôi xuống ở tư thế đang quỳ. Tôi ghì lại và gồng người rồi vặn
vẹo một cách tuyệt vọng trong gọng kìm của hắn. Hắn đấm và đá
tôi. Nhưng rồi, cuối cùng, tôi đã thắng. Suốt bao nhiêu năm hắn
quyết liệt ra lệnh cho tôi gọi hắn là “Chúa tể”, tôi đã không gọi. Và
tôi cũng chưa bao giờ quỳ trước mặt hắn.
Thường thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nếu quỳ, tôi sẽ tránh
được cho mình bao nhiêu cú đấm đá. Nhưng trong tình trạng bị áp
chế và phụ thuộc hoàn toàn như thế vào kẻ bắt cóc, tôi phải giữ lại
cho mình một chút khoảng không để xoay chuyển. Những vai diễn ở
đây rất rõ ràng, và với tư cách tù nhân, chắc chắn tôi là một nạn
nhân. Tuy nhiên, trận chiến với danh xưng “Chúa tể” và hành động
quỳ gối đã trở thành một sân khấu thứ hai mà tôi và hắn đã