HỘI BÚN NGAN
Gần nhà tôi có một quán bún ngan rất ngon. Bà chủ quán chỉ
bán cho khách ăn quà sáng. Thái độ phục vụ mềm mỏng. Giá cả phải
chăng. Nhưng rồi tôi phải từ bỏ cái quán hàng ấy mà chuyển sang
một vài quán bún ngan khác nom có vẻ mất vệ sinh hơn, đắt đỏ
hơn và kém ngon hơn. Lý do rất đơn giản nhưng cũng khá kỳ quái,
ấy là tôi ghé hàng quà sáng đó không nhiều, nhưng lần nào cũng
vậy, tôi đều phải chạm mặt với Hội Bún Ngan. Hội Bún Ngan gồm
một nhóm các bà các chị sồn sồn tuổi cỡ 40-50 (áng chừng quen
biết nhau tại hàng bún và lâu ngày thành hội). Nhóm này áng chừng
hơn chục người và dường như họ ăn bún ngan 365/365 ngày. Nói hơi
ngoa thì cũng phải trừ ra ba ngày Tết và một vài ngày nhỡ đâu người
nào đó ốm hoặc phải đi công tác, còn lại thì họ ăn bún ngan không
biết chán, như thể trên đời không còn thứ thực phẩm nào khác tinh
khiết bằng ngan. Tôi ghé quán hàng không ổn định, khi thì 7 giờ
sáng, lúc lại 8 giờ, có lúc tận 9 rưỡi khi hàng đã vãn, nhưng bất kể
thời điểm nào, từ thứ hai đến chủ nhật tôi đều gặp họ. Nghĩa là
quãng thời gian họ ngồi cũng dài như các ông bợm nhậu ngồi khề
khà ngoài vỉa hè. Đông cũng như hạ, nóng chảy mồ hôi bên thùng
nước váng mỡ hay lạnh tê người trên vỉa hè hút gió, những người đàn
bà yêu ngan vẫn ngồi kiên nhẫn hàng tiếng đồng hồ bên những
miếng xương ngan gặm dở. Đến đây chắc các bạn tò mò hỏi: Ăn
một bát bún, hay cho dù có ăn thêm lủng củng tiết canh, chân ngan,
lục phủ ngũ tạng của con ngan thì cũng đâu nhẽ đến vài tiếng
đồng hồ?
Là họ ăn chỉ một phần thôi, còn thì họ tranh thủ ngồi buôn dưa
lê. Họ dăng hàng ngồi buôn dưa lê. Bạn lại hỏi họ buôn dưa lê cái gì?
Tôi cũng không nhớ nổi họ “buôn bán” món gì, vì nội dung của cuộc